Trở nặng sau mắc cúm B trái mùa
Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bé trai 19 tháng tuổi (Bắc Kạn) trong tình trạng sốt cao liên tục. Trước khi nhập viện, bệnh nhân đã điều trị bệnh viện tuyến dưới, được làm xét nghiệm có kết quả Cúm B (+). Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, cúm B, nhiễm khuẩn huyết.
Bé trai mắc cúm B điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân vẫn sốt cao liên tục, mệt tăng dần, phải thở oxy. Sau một ngày, bệnh nhân chuyển sang thở HFNC (oxy dòng cao). Kết quả xét nghiệm và cấy máu ra vi khuẩn tụ cầu.
Bệnh viện này cũng tiếp nhận nhiều trường hợp mắc cúm B có biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đáng nói, các bệnh đều không có bệnh nền và tuổi còn trẻ.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, từ đầu năm đến nay tiếp nhận khoảng hơn 1.300 ca mắc cúm, chủ yếu là cúm A và cúm B. Riêng tại khoa Nhi, gần đây ghi nhận khoảng 50 ca mắc cúm/tuần. Không ít trẻ được cha mẹ đưa tới khám khi đã xuất hiện biến chứng viêm phổi, được chỉ định điều trị nội trú.
Theo BS Chu Thị Thu Hà, khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, từ sau đại dịch Covid-19, bệnh cúm không còn tuân theo quy luật, xuất hiện quanh năm thay vì thường gặp vào mùa Đông - Xuân.
"Nguyên nhân bệnh cúm xuất hiện trái mùa là do có sự cộng hưởng của tình trạng "nợ miễn dịch" sau thời gian trẻ ở trong nhà nhiều, giảm tiếp xúc với bên ngoài khi xảy ra đại dịch Covid-19 trước đó.
Thêm vào đó, có khả năng xuất hiện các biến thể mới của cúm. Thông thường, bệnh cúm diễn biến lành tính. Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ có sức đề kháng kém, có sẵn bệnh nền khi nhiễm cúm dễ bị nặng, gây viêm phổi, suy hô hấp", BS Hà cho biết thêm.
Chân tay miệng, sởi xuất hiện sớm
Dù mới bắt đầu vào hè, nhưng số trẻ mắc bệnh tay chân miệng cùng lác đác nhập viện ở cả khu vực phía Bắc và phía Nam. Theo chia sẻ của BS Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM, các năm trước, bệnh tay chân miệng, thường xuất hiện cuối hè, đầu thu, vào thời điểm học sinh kết thúc kỳ nghỉ hè và tựu trường.
Bệnh trên thường xảy ra ở phía Nam, tuy nhiên, thời điểm này xảy ra cả các tỉnh phía Bắc và có xu hướng gia tăng. Hiện, bệnh tay chân miệng không còn xuất hiện theo mùa, mà có thể xảy ra quanh năm. Trẻ mắc tay chân miệng có thể bị biến chứng nặng nên cha mẹ cần đặc biệt lưu ý, tuân thủ hướng dẫn chăm sóc, điều trị của nhân viên y tế.
Tương tự với sởi, dù không phải mùa, nhưng mới đây Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM cũng đã tiếp nhận bé gái 13 tháng tuổi nhập viện với triệu chứng sốt ngày thứ 6, sổ mũi, kết mạc mắt đỏ, mi mắt sưng, đau họng. Trong khi đó, một bé trai 15 tháng tuổi được chẩn đoán bệnh sởi, viêm phổi bội nhiễm, được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
BS Nam cho biết, sởi là bệnh nguy hiểm do khả năng lây lan nhanh, dễ bị biến chứng đường hô hấp, đường tiêu hóa, nhất là với trẻ chưa được tiêm chủng vaccine (dưới 9 tháng) hoặc trẻ có bệnh lý nền về tim mạch, hô hấp.
Trước đây, chu kỳ dịch sởi thường là 4-5 năm. Tuy nhiên, năm nay rất khó để khẳng định vì phụ thuộc sự phối hợp cộng đồng và gia đình trẻ trong việc tiêm chủng, tăng độ bao phủ vaccine. Với trường hợp nghi ngờ mắc sởi, cần được khoanh vùng, để tăng cơ hội kiểm soát sớm bệnh sởi tránh bùng phát thành dịch.
"Người lớn cũng là nguồn lây, do vậy cần tự bảo vệ để tránh truyền bệnh cho trẻ. Ngoài ra, để phòng ngừa có 3 biện pháp gồm: Tiêm vaccine; Đảm bảo vệ sinh môi trường; Đảm bảo vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc bẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm, nghỉ ngơi vận động phù hợp để nâng cao sức đề kháng", BS Nam khuyến cáo.
Cẩn trọng với sốt xuất huyết
Nhận định về bệnh sốt xuất huyết, hiện đang được ghi nhận gia tăng, TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, ca mắc sốt xuất huyết thường tăng cao từ tuần 26 đến tuần 47 (từ tháng 7 đến tháng 11). Dự báo số ca mắc năm nay khó giảm hơn so với năm 2023 do thời tiết mưa nắng thất thường, nhiều hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện.
TS Dũng khuyến cáo: "Người dân nên bỏ suy nghĩ, sốt xuất huyết diễn biến theo chu kỳ bởi nó không còn phù hợp với tình hình hiện nay nữa. Nếu giữ nguyên nếp nghĩ dịch sốt xuất huyết diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm, sẽ rất chủ quan trong công tác phòng chống dịch. Điển hình là năm 2022 và 2023 đều là những năm có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao trong lịch sử ở Hà Nội".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận