Tài chính

Lộ “lỗ hổng” thị trường trái phiếu sau vụ Tân Hoàng Minh

08/04/2022, 07:00

Tốc độ tăng trưởng “tên lửa”, quy mô thị trường trái phiếu ngày càng lớn. Tuy nhiên, vụ việc Tân Hoàng Minh khiến nhiều nhà đầu tư giật mình.

Không nắm được quy định vẫn đầu tư

Từ khi vụ việc 9 lô trái phiếu của nhóm doanh nghiệp Tân Hoàng Minh bị hủy, tối nào chị Nguyễn Thanh Hương (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng lấy hợp đồng trái phiếu ra đọc để… nghiên cứu các quy định. Hợp đồng này mới được chị ký trước vụ việc Tân Hoàng Minh hai tuần.

Theo thông tin tại hợp đồng, chị Hương đã mua 3.000 trái phiếu mã XXX-2020.08, trị giá 300 triệu đồng. Trái phiếu do Công ty TNHH Saigon Glory phát hành được đăng ký lưu lý và thanh toán qua một công ty chứng khoán có trụ sở ở Hà Nội. Lô trái phiếu này được một ngân hàng tư nhân top 3 hiện nay quản lý tài sản bảo đảm.

img

Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro khi tham gia thị trường trái phiếu (Ảnh minh họa)

“Lúc mua, môi giới nói trái phiếu không chuyển đổi, dù không được ngân hàng bảo lãnh thanh toán nhưng có tài sản bảo đảm nên mới quyết định”, chị Hương cho hay.

Theo tìm hiểu, số trái phiếu chị Hương mua nằm trong lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm (2020-2025) do Công ty TNHH Saigon Glory phát hành, lãi suất gốc là 11,5%/năm.

Khi công ty chứng khoán “xé lẻ” lô trái phiếu này để bán cho chị Hương 3.000 đơn vị, kỳ hạn 1 năm, chị chỉ còn hưởng lãi suất 9,6%/năm, lãi suất thanh toán theo quý được tính thành tiền ghi rõ trong hợp đồng.

Chị Hương cho biết, chị không nắm được hết các quy định về trái phiếu nhưng do lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng và có cam kết mua lại của chính công ty chứng khoán nên chị vẫn dành phần lớn tiền nhàn rỗi để đầu tư.

Trên thực tế, rất nhiều người cũng bước chân vào thị trường trái phiếu tương tự như cách thức của chị Hương.

Trước đó, khi thị trường trái phiếu “sôi sục”, Báo Giao thông đã có nhiều bài viết, trong đó bài "Cảnh báo rủi ro giao dịch trái phiếu doanh nghiệp“.

Bài viết cảnh báo hiện tượng “lách luật” khi một số công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp không đúng đối tượng qua dạng hợp đồng “vỏ bọc”.

Đáng chú ý, thời điểm đó bộ phận trái phiếu của Tân Hoàng Minh hoạt động cực kỳ sôi nổi ở các trang mạng để kêu gọi nhà đầu tư.

Trái phiếu của nhóm doanh nghiệp Tân Hoàng Minh lúc đó được chào mời có loại có lãi suất cao nhất là 12%/năm nếu nắm giữ 12 tháng; còn nếu nắm giữ 9 tháng thì lãi suất 10,5%, nắm giữ 6 tháng lãi suất 9,5%, 3 tháng lãi suất 7,9%. Lãi suất trên cao gấp đôi so với lãi suất gửi tiết kiệm lúc đó.

Nhân viên bán trái phiếu của Tân Hoàng Minh cũng gợi ý 2 hình thức đầu tư: Nếu là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì sẽ nhận chuyển nhượng trực tiếp từ công ty phát hành, với điều kiện đầu tư trên 1 tỷ đồng và nắm giữ trên 12 tháng.

Còn một cách nữa là hợp tác đầu tư, kỳ hạn linh hoạt hơn, được rút trước hạn, không yêu cầu chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp và số tiền đầu tư cũng không lớn như nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh khi đó được chẻ nhỏ đến 100.000 đồng/trái phiếu nên thu hút được rất nhiều nhà đầu tư tham gia.

Lỗ hổng lớn

Theo Luật sư Trần Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty Luật Basico, câu chuyện trái phiếu Tân Hoàng Minh chỉ là một trong nhiều trường hợp tương tự và làm lộ ra vấn đề của thị trường trái phiếu hiện nay.

Nhiều năm qua, các ngân hàng, công ty chứng khoán tham gia thị trường trái phiếu không chịu rủi ro tín dụng. Vì sau khi mua sơ cấp, trái phiếu này được xé lẻ để bán lại thứ cấp cho nhiều người mua cá nhân.

Nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu hiếm khi nhận thức rõ ràng các vấn đề rủi ro về năng lực tài chính, phương án kinh doanh, thậm chí tài sản bảo đảm có hay không giá trị đủ để xử lý nợ. Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu không trả được nợ, hậu quả người mua trái phiếu sẽ phải gánh hết.

Luật sư Trần Minh Hải

“Nếu đích đến là cá nhân thì ngân hàng không chịu rủi ro. Họ mua, họ cho vay thì họ kiểm tra, thẩm định cẩn thận về doanh nghiệp phát hành, tài sản thế chấp, tiến độ giải ngân… Nay họ xé lẻ lô lớn ra bán cho cá nhân thì dẫn đến thực tế là họ không chịu trách nhiệm nữa”, luật sư phân tích.

Còn về phía nhà đầu tư cá nhân mua thứ cấp lại từ các ngân hàng và công ty chứng khoán, nếu đơn vị phát hành là công ty đại chúng thì thông tin được minh bạch.

Nhưng nay tất cả yếu tố minh bạch đó không có vì người bán là ngân hàng, công ty chứng khoán. Cá nhân nào mua, đến lúc bị rủi ro thì cá nhân đó gánh hết.

Soi chiếu vào vụ việc của 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh vừa bị huỷ, các ngân hàng và công ty chứng khoán đều chỉ là đơn vị quản lý tài khoản, cung cấp dịch vụ thanh toán, dịch vụ lưu ký… chứ không có bên nào đứng ra bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu.

“Đây là lỗ hổng lớn chưa có quy định để kiểm soát”, luật sư Hải nói.

Quy mô thị trường phình to

Một thống kê của Fiin Group cuối năm ngoái cho thấy, sự tham gia trực tiếp của nhà đầu tư cá nhân vào các đợt phát hành trái phiếu sơ cấp đã giảm mạnh do quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và ngoài nước.

Thay vào đó, các ngân hàng và công ty chứng khoán trở thành nhóm trái chủ chính. Fiin Group cũng chỉ ra rằng, trong khi các ngân hàng mua trái phiếu có thiên hướng nắm giữ thì các công ty chứng khoán sau khi mua vào đã bán ra hầu hết cho nhà đầu tư thứ cấp.

Cũng theo số liệu thống kê từ Fiin Group, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến giữa tháng 3 là gần 27.250 tỷ đồng và gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, năm 2021, các doanh nghiệp đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 722.700 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020.

Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tại thời điểm cuối năm 2021 theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI là khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, đạt 16,6% GDP 2021, gấp 4 lần so với năm 2017 nhờ tốc độ phát hành tăng hơn 40% mỗi năm.

Các doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành nhiều nhất với 318.200 tỷ đồng, tăng 66,3% so với năm 2020 và chiếm 44% tổng lượng phát hành năm 2021. Các ngân hàng phát hành 226.400 tỷ đồng, chiếm 31,3% tổng lượng phát hành và tăng 73% so với năm 2020.

Còn theo số liệu từ Hiệp hội Trái phiếu, trong số các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ từ đầu năm 2021 tới nay, trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo chỉ chiếm 50,9%.

Cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính cuối năm 2021, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo nhưng lại chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.

Một đại diện Bộ Tài chính cho biết, giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường.

Do đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Tài sản đảm bảo của trái phiếu cũng có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp. Do đó, đại diện Bộ Tài chính tiếp tục cảnh báo nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này.

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.