Ngày 29/5, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên xét xử đối với 35 bị cáo về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền”.
Phiên xử có 17 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.
Có 35 bị cáo phải hầu tòa gồm: Nguyễn Hữu Đạt, Nguyễn Tam Lợi, Nguyễn Ngọc Nhân, Lê Ngọc Sơn, Hồ Tạ Quang Huy, Nguyễn Thành Lộc, Trần Nguyễn Công Thành, Bùi Trung Anh, Nguyễn Hữu Nhiệm…
Trong vụ việc này đến nay mới xác định có 99 bị hại, tuy nhiên chỉ có 13 bị hại tham gia phiên tòa, ngoài ra còn có hơn 40 người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng không tham dự phiên xử.
Vì vậy đại diện Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị tạm hoãn phiên tòa để bảo đảm quyền lợi cho các bị hại. Các luật sư tham dự cũng đồng tình với đề nghị của Viện KSND.
Sau đó, hội đồng xét xử cũng quyết định tạm hoãn phiên toà, triệu tập lần hai đến các bị hại và người có nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đầu năm 2021, Nguyễn Hữu Đạt (25 tuổi, quê ở tỉnh Bình Định) tham gia đầu tư kinh doanh các sàn nhị phân (một sàn giao dịch online) trên mạng xã hội Telegram nhưng bị thua lỗ.
Sau đó, Đạt chuyển sang làm công việc giới thiệu nhà đầu tư vào giao dịch trên các sàn nhị phân để được hưởng hoa hồng.
Nhận thấy nhu cầu tham gia vào các sàn trên rất lớn nên Đạt nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền bằng cách đưa các thông tin giả để huy động vốn vào các sàn giao dịch nhị phân như: ICM, Broker, In Broker, Hollmann... do Đạt lập ra.
Đạt lập đường dây và chia bốn nhóm hoạt động với thủ đoạn mua số lượng lớn sim của các nhà mạng để kích hoạt và tạo lập những nickname Telegram, dùng ảnh đại diện là những người trung niên sang trọng để tạo niềm tin cho các con mồi.
Kế tiếp Đạt tạo khoảng 10.000 nhóm Telegram thường và 150 nhóm VIP (với khoảng 40-100 tài khoản/nhóm) để tương tác với 1-3 tài khoản của nhà đầu tư.
Trong đó, Đạt và các chân rết của mình tung ra các gói đầu tư 3.000 - 3.600 USD với lợi nhuận cố định 2 phiên mỗi ngày, mỗi phiên từ 1,6 - 3,2 triệu đồng. Ngoài ra còn có gói VIP tối thiểu 20.000 USD sẽ được lợi nhuận cố định 6 phiên mỗi ngày, mỗi phiên 1.800 USD. Đạt còn tung ra gói VIP kép là 40.000 USD với lợi nhuận gấp đôi...
Thấy lợi nhuận cao, nhiều nạn nhân đã đồng ý tham gia đầu tư và bị dẫn dụ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do Đạt chỉ định.
Tại những phiên đầu tiên, Đạt chỉ đạo các đồng phạm trả tiền lợi nhuận như đã cam đoan với các nhà đầu tư.
Những phiên sau đó mới thông báo là thua hết, kèm theo hình ảnh ngụy tạo bảng kết quả đặt cược tại các phiên và đưa ra nhiều tình huống để các nạn nhân tiếp tục tin tưởng. Sau nhiều lần như vậy các con mồi mới biết bản thân bị Đạt lừa để chiếm đoạt tiền.
Cơ quan chức năng cũng xác định từ đầu năm 2021 đến cuối tháng 6/2022, Đạt cùng 34 đồng phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông… triển khai huy động vốn, tạo ra các thông tin và tài liệu giả... để chiếm đoạt 98 tỷ đồng của 376 nhà đầu tư.
Trong đó, Đạt hưởng lợi khoảng 66 tỷ đồng trong số tiền chiếm đoạt. Số tiền chiếm đoạt được, Đạt dùng để mua sắm tài sản, đầu tư kinh doanh ở các lĩnh vực khác nhưng bị thua lỗ hết. Trong quá trình điều tra, gia đình các bị cáo đã nộp lại số tiền gần 3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho các nạn nhân.
Được biết trong vụ án này đến nay cơ quan chức năng mới xác định được 99 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 34 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận