Đến nhà không báo trước bị phạt
Dọc con đường uốn khúc dọc theo dòng chảy của suối Lách, nhiều thôn làng của người T'rin tựa vào triền núi.
Theo chân anh Pi Năng Hà Duy, Phó chủ tịch xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, PV men theo lối đi ngoắt ngoéo luồn qua các mỏm đá giữa cánh rừng già. Một điểm du lịch cộng đồng hiện ra trước mắt. Tiếp chúng tôi là ông Mà Giá A (86 tuổi, người T'rin), chủ nhân của điểm du lịch sinh thái này.
"Cán bộ và nhà báo đến không báo trước nhé. Nhưng sẽ không bị mình phạt đâu", ông cười.
Ông Giá A đã có 5 nhiệm kỳ liên tục (25 năm) làm Chủ tịch xã Giang Ly, được ví như pho sử sống của địa phương. Ông có 8 người con, 31 cháu nội ngoại, 16 chắt. Từ ngày nghỉ hưu, một mình ông quần quật đào đắp, cải tạo, dẫn nước suối, làm thành điểm du lịch xanh mát.
Ông kể, trước đây, người dân T'rin sống trên núi, dân cư thưa thớt. Việc khách (thực chất là người ngoài bà con, họ hàng) đến chơi nhà rất ít. Nhiều đời trước, mọi người quan niệm việc khách đến nhà không báo trước là điều không hay. Vì vậy, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt một ché rượu, một con gà. Nếu tự động mở cửa vào hình phạt sẽ nặng hơn.
Người nào vô tình xâm phạm đến nhà người khác hoặc tự tiện tháo chốt, tháo cửa để vào nhà thì bị xem là vi phạm luật tục và sẽ bị phạt. Khách nói năng không chuẩn mực cũng bị phạt, nhẹ nhất là một con gà và ché rượu.
"Cách đây 5 năm, có một người khách miền xuôi lên du lịch, tình cờ vào thăm một nhà dân. Thấy nhà chỉ có trẻ con, vị khách đã tự ý bước vào và bị các chủ nhà nhí "tuyên phạt".
Lúc đầu, khách tưởng trẻ con nói đùa. Sau khi nhờ người lớn can thiệp, hiểu ra, vị khách thích thú, chấp nhận ngay và còn nán lại chơi mấy ngày mới về xuôi" ông Giá A kể.
Chủ nhà cũng chịu phạt
Theo ông Giá A, khi khách đến nhà, chủ nhà cũng rất dễ bị phạt vạ. Theo luật tục, khách đến, chủ phải tiếp đãi cẩn thận. Nếu trong lúc đang tiếp mà vô tình con, cháu chủ nhà đi ngang qua trước mặt, chủ nhà bị phạt một đôi gà, có trống có mái và một ché rượu cần. Sau đó, chủ nhà sẽ làm gà đãi khách cùng với rượu.
Còn nếu trường hợp khách bị phạt vì vi phạm luật tục, sau khi phạt vạ, chính người chủ nhà phải mở cửa tiếp đón khách một cách chu đáo. Quá trình đón tiếp, vợ chủ nhà nếu tỏ ra không hiếu khách, không chu đáo thì vợ chủ nhà cũng bị phạt.
Theo đồng bào T'rin, đây là luật tục từ xưa truyền lại, không ai giải thích được nguồn gốc. Ẩn sau luật tục này chính là bài học về sự giáo dục con người về phép tắc và cách ứng xử đối với người khác.
"Trước đây, dân làng đều có hoàn cảnh khó khăn nên rất ít khi phạt nặng. Hiện nay, đồng bào đã ít coi trọng chuyện phạt mà thiên về nhắc nhở luật tục này cho khách khứa đến thăm nhà hiểu", ông Giá A cho hay.
Cuộc sống thay đổi từng ngày
Nếu nhiều dân tộc thiểu số khác ở huyện Khánh Vĩnh sống theo chế độ mẫu hệ thì người T'rin lại theo chế độ phụ quyền. Con trai được đặt tên theo họ cha, con gái được đặt tên theo họ mẹ. Người T'rin chỉ có hai họ, trai họ Hà, gái họ Cà.
Ông Hà Biên năm nay đã bước qua tuổi thất thập, là người T'rin có gốc gác từ tỉnh Ninh Thuận. Theo ông Biên, bố mẹ ông đến định cư tại vùng đất này từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tại mảnh đất này, ông từng làm chức vụ Bí thư Huyện đoàn Khánh Vĩnh, Chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thái.
Ông cho biết, nét riêng của người T'rin so với các dân tộc thiểu số khác là chỉ có hai họ để phân biệt: "Tôi có 5 người con, 16 cháu nội ngoại, 2 chắt. Tất cả các con trai, cháu trai đều mang họ Hà, các con và cháu chắt gái đều mang họ Cà. Tập tục mang họ này đã được lưu truyền từ nhiều đời nay".
Theo ông Biên, người T'rin xuất hiện ở Khánh Hòa cách đây khoảng chừng vài trăm năm, là một nhánh rẽ của người K'ho. Đồng bào T'rin có tiếng nói nhưng không có chữ viết riêng. Vì vậy, nhắc đến cái tên T'rin sẽ không ít người thắc mắc, tò mò về nguồn gốc không rõ ràng với nhiều điều bí ẩn chưa có lời giải.
Ông Phạm Ngọc Hữu, Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho biết, trên địa bàn xã, người T'rin hiện có 434 hộ, với 1.969 khẩu, chiếm 73% dân số địa phương. Trước đây, họ sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy. Ngày nay, hầu hết người dân sống ở vùng đồng bằng, những khu vực có suối chảy để thuận lợi cho việc buôn bán, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt. Một số người đã tham gia làm du lịch cộng đồng nhằm khai thác tiềm năng sẵn có.
Anh Pi Năng Hà Duy cho biết thêm, ở địa phương, đồng bào T'rin có 426 hộ, với khoảng 2.000 nhân khẩu. Trước đây, người dân sống phụ thuộc hoàn toàn tự nhiên song giờ đây, trẻ em được học hành đầy đủ. Hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng được đầu tư khang trang.
Theo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Khánh Vĩnh, thời gian qua, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được quan tâm gìn giữ, phát huy. Sắp tới, nghi lễ cưới hỏi của người T'rin qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu sẽ được phục hồi, tái hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận