Công trình trái phép ngang nhiên tồn tại
Những ngày đầu tháng 10, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực luồng cảng Sa Kỳ (thôn Định Tân, xã Bình Châu, Bình Sơn) tận thấy ngay khu vực đầu cảng, sát QL24, những hàng quán được xây dựng kiên cố vẫn tồn tại, chủ quán ngang nhiên mở quầy buôn bán, khách vào ra mua bán tấp nập.
Tại khu vực hàng quán của ông Nguyễn Văn Sáu (do bà Nguyễn Thị Như Cẩm, con dâu ông Sáu sử dụng kinh doanh), từ QL24 nhìn vào không ai nghĩ đây là vị trí lấn chiếm lòng sông, bởi nền nhà được xây dựng kiên cố, các trụ bê tông, trụ sắt được dựng lên và quây tôn, xây tường bao.
Từ phía bờ sông có thể thấy nền móng được xây dựng bằng đá hộc và các cọc bê tông đóng chặt dưới lòng sông. Phía bên trái, gia đình bà Cẩm tiếp tục đổ thêm đá hộc để gia cố chân móng cho công trình thêm chắc chắn.
Theo thông tin từ huyện Bình Sơn cung cấp, gia đình bà Cẩm đã tự ý đổ đá, xây dựng lấn chiếm phần mặt nước có diện tích khoảng 40m2. Công trình này được thực hiện từ năm 2018 đến nay.
Theo ông Nguyễn Hữu Đoan - Giám đốc Ban quản lý cảng và Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ngãi, gia đình bà Cẩm hành nghề kinh doanh thủy sản, nên từ giữa năm 2018, tận dụng vùng nước cảng Sa Kỳ để phục vụ việc thu mua, vận chuyển cá và sau đó lấn chiếm luồng cảng xây dựng công trình trái phép.
"Ban quản lý cảng cùng chính quyền địa phương có lập biên bản và yêu cầu gia đình bà Cẩm khắc phục trả nguyên hiện trạng mặt nước cảng Sa Kỳ.
Tuy nhiên, gia đình bà Cẩm không chấp hành. Thời gian qua bà Cẩm còn tiếp tục đổ đá hộc lấn chiếm thêm. Nếu không giải quyết tình trạng này thì nguy cơ mất an toàn hàng hải là rất lớn", ông Đoan nói.
Cũng theo ông Đoan, tình trạng cơi nới, xây dựng lấn chiếm vùng nước cảng Sa Kỳ, diễn ra từ nhiều năm qua. Ban đầu chỉ vài trường hợp lén lút cơi nới nhưng tới nay số hộ vi phạm lên đến hàng chục.
Qua thống kê dọc theo khu vực mặt nước cảng Sa Kỳ đoạn từ chợ Bình Châu đến cảng khu vực cảng có 43 trường hợp lấn chiếm, xây dựng cầu tàu, nhà cửa, hàng quán để kinh doanh buôn bán, làm nơi neo đậu tàu thuyền.
Thời gian qua, đơn vị có phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính nhiều trường hợp cũng như buộc các trường hợp trên tháo dỡ nhưng không cá nhân nào thực hiện.
Trên nóng, dưới lạnh?
Để xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vùng nước cảng Sa Kỳ, trước đó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký công văn yêu cầu UBND huyện Bình Sơn vận động bà Cẩm tự giác tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm, hoàn trả lại hiện trạng bờ sông, đất công như ban đầu.
Trong trường hợp bà Cẩm không chấp hành, huyện Bình Sơn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức cưỡng chế buộc tháo dỡ toàn bộ phần diện tích vi phạm và hoàn thành trước 15/5/2022.
Mặc dù công văn chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh khá quyết liệt, song cấp huyện và các cơ quan liên quan dường như không thực hiện, bất chấp nỗi lo tai nạn tàu thuyền, mất an toàn hàng hải diễn ra.
Lý giải việc thiếu kiên quyết xử lý đối với trường hợp lấn chiếm luồng cảng Sa Kỳ, ông Ngô Văn Dụng - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, trước chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã chỉ đạo xã Bình Châu vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên, khu vực này người dân lấn chiếm mặt nước cảng Sa Kỳ xây dựng hàng quán từ lâu.
"Thậm chí, có người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên hiện tại chính quyền chỉ có giải pháp ngăn chặn không cho xây mới và giữ nguyên hiện trạng chứ khó xử lý dứt điểm được", ông Dụng nói.
Ông Nguyễn Hữu Đoan - Giám đốc Ban quản lý cảng và Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ngãi cho biết, sau chỉ đạo của tỉnh, các trường hợp vi phạm không những không tháo dỡ công trình trên mà còn duy trì hoạt động kinh doanh, buôn bán, neo đậu tàu thuyền trái phép.
"Hiện nay nhiều người dân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách trên tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn đầu tư đội tàu cao tốc hiện đại, có kích thước lớn, trong khi đó, nhiều tàu thuyền đánh cá của người dân neo đậu sát trong luồng nước của cảng và lấn chiếm sát mép cầu cảng.
Việc lấn chiếm vùng nước cảng biển Sa Kỳ dẫn đến khó khăn trong quá trình điều động phương tiện ra, vào làm hàng, đón trả khách tại cảng Sa Kỳ và tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn, an ninh hàng hải, an toàn giao thông đường thủy trên tuyến luồng hàng hải Sa Kỳ.
Tình trạng này không được giải quyết dứt điểm sẽ gây khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi", ông Đoan nói.
Theo Quyết định 1579 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 2369, của Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung bộ (Nhóm 3), bến cảng Sa Kỳ được quy hoạch nâng cấp cải tạo để có thể tiếp nhận tàu từ 1.000 - 2.000 tấn, năng lực từ 0,2 - 0,4 triệu tấn/năm, chiều dài cầu cảng đạt 200m vào năm 2030.
Tuy nhiên, hiện tại cầu cảng Sa Kỳ có chiều dài 106m, thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt là vào thời gian lễ, Tết, mùa du lịch.
Do đó, phần diện tích người dân lấn chiếm xây dựng kiên cố chỉ còn cách cầu cảng Sa Kỳ (vị trí cầu cảng cập tàu vận tải đón, trả khách đi đảo Lý Sơn) khoảng 20m nên không đảm bảo an toàn.
Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" khiến cho câu chuyện xử lý việc lấn chiếm luồng nước cảng Sa Kỳ dần đi vào quên lãng. Không lẽ chính quyền tỉnh Quảng Ngãi "bó tay" trước tình trạng người dân lấn chiếm đất công?
Trước đó, Báo Giao thông đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng lấn chiếm luồng cảng Sa Kỳ gây mất ATGT đường thủy, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc chỉ đạo xử lý.
Tuy nhiên, sau các chỉ đạo, những công trình, ki ốt trái phép kiên cố vẫn ngang nhiên tồn tại như đang thách thức dư luận, hàng ngày khách vào ra mua bán tấp nập.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận