Bóng đá

Lý do nhiều đội bóng lớn vừa lên đỉnh đã xuống đáy

09/04/2022, 06:00

Việc đội tuyển Italia không có vé dự World Cup 2022 một lần nữa cho thấy chu kỳ thành công của các đội bóng lớn đã bị rút ngắn đáng kể.

Chu kỳ thành công rút ngắn

Tại loạt trận play-off World Cup 2022 khu vực châu Âu, đội tuyển Italia nhận thất bại 0-1 trước Bắc Macedonia, chính thức phải làm khán giả ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

img

Đội tuyển Italia lỡ hẹn với World Cup 2022 dù đang là nhà vô địch EURO

Đáng nói, đội bóng áo thiên thanh đang là nhà đương kim vô địch EURO. Chỉ sau hơn một năm bước lên đỉnh cao, thầy trò HLV Roberto Mancini đã xuống đáy của sự thất vọng.

Tuy nhiên, nếu nhìn bao quát hơn trong những năm gần đây, việc các “ông lớn” không thể duy trì thành công là điều thường xảy ra. Sau giai đoạn thống trị của đội tuyển Tây Ban Nha với các chức vô địch EURO 2008, 2012 và World Cup 2010, bóng đá thế giới chưa tìm được đội bóng nào tạo ra ấn tượng như vậy.

Thậm chí, chu kỳ đỉnh cao của các nhà vô địch EURO hay World Cup bị rút ngắn đáng kể.

Tuyển Đức sau khi vô địch World Cup 2014 đã bị loại ở bán kết EURO 2016. Thậm chí, tới World Cup 2018, đội bóng có biệt danh “Xe tăng” còn không vượt qua nổi vòng bảng. Tại EURO 2020, thầy trò HLV Joachim Low bị loại ở vòng 1/8.

Tương tự, tuyển Bồ Đào Nha sau lần lên ngôi tại EURO 2016 đã bị loại ở vòng 1/8 World Cup 2018, EURO 2020.

Tuyển Pháp năm 2018 lên ngôi vô địch World Cup đầy thuyết phục, được dự đoán sẽ thống trị lâu dài bóng đá thế giới nhờ dàn ngôi sao vào độ chín. Dù vậy, chỉ hai năm sau, thầy trò HLV Didier Deschamp đã thua Thụy Sĩ ở vòng 1/8 EURO.

Nếu tính thêm các thế lực ở Nam Mỹ, kể từ sau chức vô địch World Cup 2002 của Brazil, không đội bóng nào tại khu vực này tạo dựng được thành công tương tự.

Riêng tại Copa America, ba giải đấu gần nhất ngôi vô địch đều đổi chủ. Nhìn tổng thể, chu kỳ thành công của các ông lớn không kéo dài được hai năm.

Thực trạng này giúp bóng đá thế giới tránh khỏi sự nhàm chán, buộc các đội bóng lớn phải vận động mạnh mẽ nếu muốn trở lại đỉnh cao. Tuyển Đức là một ví dụ, Die Mannschaft đã chia tay HLV Joachim Low và tạo ra một cuộc cách mạng về lực lượng trước khi tới với World Cup 2022.

Xa hơn, sau thất bại World Cup 2002, bóng đá Pháp đã đầu tư mạnh mẽ hơn cho đào tạo trẻ và hái quả ngọt là chức vô địch World Cup 2018. Đoàn quân áo lam đương nhiên quyết tâm bảo vệ chiếc cúp vàng đang sở hữu vào cuối năm nay. Tuy vậy, nhìn vào những gì đã diễn ra, mục tiêu này không dễ.

Đâu là nguyên nhân?

Vậy đâu là nguyên nhân khiến những ông lớn bóng đá thế giới không thể kéo dài những ngày tháng trên đỉnh cao? Theo tờ EuroSports, nguyên nhân cơ bản nhất thuộc về cách vận hành của các đội tuyển. Cụ thể hơn là không có chiến thuật ưu việt.

“Chúng ta thấy rằng, Tây Ban Nha trong giai đoạn hoàng kim sở hữu lối chơi tiki-taka cực hoàn hảo. Mọi đối thủ đều biết họ sẽ đá ra sao nhưng lại không thể tìm ra phương án ngăn cản.

Thời gian gần đây thì sao? Chúng ta thật khó đọc tên chiến thuật mà Bồ Đào Nha, Đức, Italia hay Pháp đã sử dụng để giành chiến thắng. Không có lối chơi tối ưu, chỉ cần một vài cầu thủ chơi dưới sức hoặc ngôi sao không tỏa sáng, các nhà vô địch dễ dàng bị vượt qua”, EuroSports phân tích.

Cũng theo EuroSports, các cầu thủ giai đoạn hiện tại phải thi đấu với cường độ dày đặc hơn, mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn trong màu áo CLB. Chính bởi vậy, khi tới giải đấu lớn, rất nhiều cái tên tỏ ra mệt mỏi. Những đội tuyển mạnh sở hữu nhiều ngôi sao càng chịu tác động nhiều bởi thực tế này.

“Mbappe là ngôi sao nhận nhiều kỳ vọng nhất của tuyển Pháp ở EURO 2020 nhưng anh chơi hoàn toàn mờ nhạt sau một mùa cày ải liên tục. Một mình Ronaldo không thể gồng gánh cả tập thể Bồ Đào Nha rệu rã.

Lẽ dĩ nhiên, sự suy yếu của người này sẽ trở thành cơ hội cho kẻ khác. Italia dù không có nhiều cầu thủ ngôi sao đã tận dụng tốt thời cơ để lên ngôi vô địch EURO 2020. Khi mà tính bất ngờ không còn, đội bóng xứ mỳ ống nhanh chóng trở lại thực tại”, EuroSports viết.

Trong khi đó, cây bút Barney Ronay của tờ The Guardian đưa ra một kiến giải khác, đó là sự vươn lên của nhiều đội bóng vốn bị coi là chiếu dưới đem đến thách thức cho các ông lớn.

“Croatia, Iceland, CH Séc, Đan Mạch ở châu Âu hay Chile ở Nam Mỹ khiến tham vọng của nhiều đội tuyển tên tuổi gặp nhiều rào cản. Số này có đội đã thành công, có đội chưa thành công nhưng nhìn chung tính cạnh tranh ở các giải đấu trở nên khốc liệt hơn.

Nếu như khoảng 10 năm trước, EURO hay World Cup vẫn còn những đội lót đường thì gần đây trình độ giữa các đội bóng đã được thu hẹp đáng kể, hiếm có cái tên nào tạo ra được ưu thế tuyệt đối”, Barney Ronay đánh giá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.