Vận tải thủy hiện chủ yếu là mặt hàng rời và hơn 80% đội tàu có trọng tải dưới 50 tấn |
Đội tàu thủy Việt Nam những năm qua chủ yếu phát triển tự phát theo kiểu mạnh ai nấy làm, khiến tàu không phù hợp với luồng lạch và nhu cầu hàng hóa. Những người làm vận tải mong có bàn tay định hướng của Nhà nước để đầu tư và khai thác hiệu quả đội tàu và hạ tầng đường thủy.
Đóng tàu tự phát
Khoảng 3 năm trước, hoạt động vận tải thủy ở khu vực phía Bắc diễn ra sôi động, nhu cầu vận tải tăng mạnh, kéo theo phong trào đóng mới phương tiện thủy. Ông T., nguyên trưởng một trạm quản lý đường thủy ở phía Bắc cùng bạn bè khi đó góp nhiều tỷ đồng đóng tàu chở hàng khô có trọng tải hơn 500 tấn. Do đúng thời điểm nhiều tàu đóng mới, phải mất hơn nửa năm tàu mới xong, đưa vào chở vật liệu xây dựng từ Tuyên Quang, Phú Thọ đi các tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 năm sau, nguồn hàng thiếu khiến thời gian quay vòng vận tải kéo dài, có thời điểm nửa tháng tàu của ông T. mới được 1 chuyến hàng, còn lại là nằm bờ. Cuối cùng, nhóm ông T. đành bán tàu, chịu lỗ để thu hồi vốn.
“Mấy năm trước tôn, sắt, thép rẻ, vay vốn ngân hàng dễ nên mọi người thi nhau đóng tàu. Chẳng biết đội tàu thừa thiếu thế nào, nhưng tàu phải trọng tải lớn, khoảng trên dưới 1.000 tấn mới hiệu quả, chứ loại vài trăm tấn chủ yếu của hộ gia đình, lấy công làm lãi thôi”, ông T. nói và cho rằng, quy luật phát triển đội tàu vận tải thủy thường theo phong trào. Có khi vài năm chẳng ai đóng mới tàu cả, nhưng có giai đoạn lại thi nhau đóng. Chủ yếu là tự phát, khó đoán biết được cung cầu thực tế thế nào.
Liên quan vấn đề trên, ông Trần Hữu Luận, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải thủy cũng cho rằng, nhiều năm qua vận tải hàng hóa bằng đường thủy phát triển tự phát. Chủ tàu tự nắm bắt thực tế để quyết định đầu tư phát triển phương tiện. Điều này dẫn đến sự phát triển đội tàu không theo sát thực tế hạ tầng, luồng tuyến, không tạo được hiệu quả.
Ông Luận lấy ví dụ, trước kia luồng đường thủy tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình có tàu to nhất là 1.000 tấn, nhưng bây giờ đã có tàu đẩy gần 5.000 tấn bắt nước đi được. Xưa tàu 300-400 tấn đi dọc tuyến sông Luộc về ngã ba sông Hồng bị cạn, nhưng bây giờ nhiều tàu rất to. Tư nhân giờ đã đóng được loại trọng tải 1.700-1.800 tấn, thậm chí tới đây là 2.000 tấn, mớn nước 1,5-2,8m.
“Đáng nói, đây là sự phát triển tự phát, chưa có định hướng của cơ quan quản lý. Tôi cho rằng, cần có sự định hướng của cơ quan thiết kế để hướng dẫn doanh nghiệp phát triển ram tàu hiệu quả nhất, căn cứ vào luồng lạch thực tế”, ông Luận đề xuất.
Tư vấn Egis International (Pháp), trong báo cáo nghiên cứu khả thi cho Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam cho rằng, cần thiết hiện đại hóa và nâng cấp đội tàu thủy hiện có. Bởi nâng cấp đội tàu sẽ hiệu quả hơn so với nâng cấp toàn bộ hệ thống đường thủy. Tư vấn đề xuất tham chiếu tiêu chuẩn châu Âu để phát triển đội tàu, theo hướng như công suất lớn hơn, mớn nước thấp hơn, tàu ngắn hơn, tàu đa dụng để phù hợp vận hành cả đường thủy và đường biển. |
Nhà nước cần định hướng thiết kế, chủng loại tàu
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, toàn quốc hiện có hơn 133.000 phương tiện thủy chở hàng hóa, trong đó hơn 80,5% là loại dưới 50 tấn, loại từ hơn 500 tấn đến hơn 2.000 tấn chỉ chiếm gần 6%. Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, tư nhân tự nắm bắt xu thế để đầu tư tàu cho phù hợp sự thay đổi của hạ tầng, nhu cầu vận tải. Dẫn chứng là sau khi tuyến vận tải ven biển dành cho tàu pha sông biển VR-SB từ Quảng Ninh - Quảng Bình - Kiên Giang được mở, lập tức xuất hiện một vài tàu chuyên chở container và đến nay đội tàu gần 50 chiếc.
Tuy vậy, cũng có những trường hợp phát triển mang tính thích ứng, như chuyển đổi từ tàu biển cấp hạn chế III xuống tàu sông pha biển cấp VR-SB; Trong khi đó, có doanh nghiệp đề nghị được đóng tàu pha sông biển trọng tải lên tới 22.000 tấn, to hơn nhiều so với tàu biển.
Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, đội tàu vận tải thủy hiện cần tiếp cận công nghệ mới để tăng năng lực, trọng tải để hạ giá thành. “Trước kia, phương tiện trọng tải thấp lại cần nhiều người nên không hiệu quả. Giờ muốn phát triển phương tiện to hơn, dài hơn lại gặp khó khăn vì lên cao gặp cầu, sâu xuống lại mắc đá”, ông Liêm nói và cho rằng, cần có thống kê, phân tích để định hướng phát triển vận tải, phương tiện thủy.
Theo ông Nguyễn Đình Từ, Phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 1, việc cơ quan Nhà nước định hướng phát triển đội phương tiện thủy không đơn giản, nhưng cần thiết, giúp từng bước tạo nên đội tàu chở hàng, tàu khách hiện đại, cân đối cung cầu và nâng cao năng lực vận tải. Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải có căn cứ để đầu tư hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận