Hạ tầng

Mặt bằng cản tiến độ thi công dự án mở rộng QL6

20/05/2023, 07:30

Vì chưa có mặt bằng nên khối lượng thi công của các nhà thầu Dự án cải tạo nâng cấp QL6 đoạn tránh TP Hòa Bình còn ở mức khiêm tốn.

Dự án cấp bách mà mặt bằng cấp... chậm

Dự án cải tạo nâng cấp QL6 (đoạn Km73+500 - Km78+500 tuyến tránh TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) được Bộ GTVT quyết định đầu tư vào năm 2022 và giao cho Ban QLDA 6 làm đại diện chủ đầu tư.

Đây là một trong những dự án được xem là rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực khai thác cho tuyến QL6 và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Dự án càng trở nên cấp bách khi mà tuyến QL6 đoạn tránh TP Hòa Bình đã mãn tải và thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông.

img

Do mặt bằng xôi đỗ nên nhà thầu chưa thể thi công ồ ạt được

Trước sự cấp bách của dự án, ngay sau khi có kết quả đấu thầu, Ban QLDA 6 đã chỉ đạo nhà thầu Liên danh Trường Thành - UDIC - Công ty TNHH Xây dựng 1.5 huy động máy móc tập trung thi công ngay.

Những tưởng dự án sẽ thuận lợi khi có 2/3 chiều dài tuyến đã đền bù, giải phóng mặt bằng từ năm 2003. Thế nhưng đến nay, sau 2 tháng khởi công, nhà thầu phải thi công cầm chừng vì tình trạng mặt bằng xôi đỗ và vướng hạ tầng ngầm chưa di dời.

Ghi nhận của PV dọc chiều dài 5km của dự án, chỉ có một số ít kỹ sư, công nhân làm việc. Tập trung từ khu vực từ chân dốc Cun (Km78+500) trở ngược khoảng 1,5km.

Công việc cũng chỉ đơn giản là lắp đặt rãnh dọc bằng các cấu kiện bê tông đúc sẵn và làm hạ bộ cầu. Ngắt quãng khoảng 200-300m, mới có điểm đào đắp phần nền mở rộng và trải vải địa kỹ thuật để xử lý nền đất yếu.

img

Để công nhân có việc làm, các nhà thầu cho làm trước hệ thống rãnh dọc

Anh Thắng (trú Tổ 9, Phường Dân Chủ) cho biết: "Tôi thấy họ về làm đường từ đầu năm. Nghe bảo sẽ lấy cả vào đất nhà tôi để mở rộng đường này thành 4 làn xe và có cả dải phân cách giữa.

Chúng tôi cũng mừng và ủng hộ lắm. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy địa phương thông báo thu hồi đất và mức bồi thường ra sao.

Tương tự, chị Huệ (hàng xóm) cũng bảo: Nhà nước mà lấy là tôi đồng ý liền. Kể cả phải đập nhà tôi cũng chịu, miễn sao có tiền đền bù là được.

Theo tìm hiểu của PV, mong muốn mở rộng đường của người dân nơi đây xuất phát từ việc họ đã phải chứng kiến quá nhiều vụ tai nạn thương tâm ở trước nhà mình.

“Từ khi có đường đến nay, TNGT đã cướp đi 10 mạng người. Còn từ đợt Tết đến giờ cũng đã có 4 người chết vì tai nạn. Chúng tôi chỉ mong sao sau này đường rộng sẽ không còn tai nạn nữa!”, Chị Huệ nói.

Nỗ lực vượt khó để dự án về đích đúng tiến độ

Kỹ sư Phạm Minh Đức, Đội trưởng Đội thi công nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng 1.5 cho biết: “Ở dự án này chúng tôi đảm nhiệm thi công 4 cầu và một vài đoạn đường dẫn.

Sau 2 tháng triển khai, đến nay đơn vị đã bố trí 3 mũi thi công với khoảng 50 kỹ sư công nhân thường xuyên làm việc trên công trường.

Do địa phương chậm bàn giao mặt bằng nên đến nay vẫn còn Cầu vượt đường ngang chưa thể triển khai. Các đoạn đường dẫn, đường đầu cầu cần xử lý đất yếu thì vẫn chưa thể làm được vì chưa có mặt bằng.

Tuy nhiên, đơn vị xác định đây là công trình trọng điểm nên với những vị trí đã có mặt bằng, chúng tôi đều tổ chức thi công liên tục. Sản lượng đạt được thậm chí vượt cả kế hoạch đề ra”.

img

Phần thi công cầu do không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng nên nhà thầu tập trung làm trước

Vẻn vẹn 2 tháng thi công, nhà thầu Cty XD 1.5 đã thi công xong phần hạ bộ cầu Suối Chăm và đang làm mố trụ; Cầu Xóm Rậm xong 60% hạ bộ; Cầu Mát Trên xong cọc khoan nhồi... Tổng sản lượng ước đạt 22/44 tỷ đồng.

Lý giải về việc công trường còn thưa vắng công nhân, ông Vũ Trọng Huấn, Giám đốc Ban điều hành dự án, cho biết: "Dự án này được cho là đã có 2,9/5km (60%) mặt bằng đã được đền bù từ GPMB năm 2003 (khi thi công đường QL6, đoạn tránh TP Hòa Bình),

Tuy nhiên, đa phần còn vướng tài sản của dân, vướng hạ tầng kỹ thuật, như: đường điện, đường nước, đường cáp viễn thông... nên chúng tôi chỉ có thể thi công một số đoạn không vướng. Số còn lại, nhà thầu tập trung làm trước hệ thống rãnh dọc phía trong, coi đó như hàng rào công trình nhằm tránh tình trạng tái lấn chiếm.

Ban đã đôn đốc địa phương sớm bàn giao mặt bằng, tuy vậy cũng có cái khó là người dân đang kiến nghị thành phố làm rõ mốc đã GPMB 2003. Cái khó nữa là phải GPMB thêm phần đất bên ngoài rãnh để đưa đường điện, nước ra ngoài phạm vi thi công, đây cũng là phần hành lang bảo trì kết cấu đường bộ sau này”.

Ông Nguyễn Hữu Luyện, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hòa Bình cho biết, theo chỉ đạo của tỉnh ngày 30/5 này, các đơn vị sẽ phải di dời xong hệ thống hạ tầng kỹ thuật để bàn giao cho nhà thầu thi công. Phần còn lại thành phố sẽ thực hiện các thủ tục để đền bù GPMB cho người dân.

“Ban đầu tính toán sẽ không có hộ nào phải di dời nhà ở, nhưng sau này xác định có 11 hộ phải di dời, nhiều công trình tài sản khác của người dân cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, thành phố phải thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục thu hồi đất, áp giá đền bù và bố trí tái định cư cho người dân.

Dự kiến làm xong việc này phải mất tới 6 tháng. Hiện tại chúng tôi đang phối hợp với Ban QLDA 6 tiến hành xác định mốc GPMB, xác định diện tích cần thu hồi làm căn cứ để thực hiện các bước tiếp theo”, ông Luyện giải thích.

Dự án cải tạo nâng cấp QL6, được khởi công vào cuối tháng 2/2023, có tổng mức đầu tư là 473 tỷ đồng, trong đó có 273 tỷ phục vụ GPMB, gần 200 tỷ đồng phục vụ xây lắp. Thời gian thi công dự án là 18 tháng. Khi hoàn thành, bề rộng mặt đường QL6 sẽ được nâng từ 9m lên thành 20,5m và có đặt dải phân cách giữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.