Video đám cưới của cặp đôi trẻ tại thành phố Zunyi, tỉnh Quý Châu đang được chia sẻ "chóng mặt" trên mạng xã hội nước này.
Trong đó, người bà 72 tuổi của chú rể tay lăm lăm cây gậy, bảo vệ cho cháu trai cùng cháu dâu về nhà làm lễ cưới. Mục đích là ngăn chặn những hủ tục đùa cợt quá khích trong lễ cưới vẫn đang tồn tại ở địa phương này cùng một số vùng quê khác tại Trung Quốc.
Video do bố chú rể ghi lại và đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng người dùng mạng xã hội Trung Quốc.
Nhiều cư dân mạng cảm động trước tình yêu vô bờ của người bà dành cho cháu, một số khác nhân sự việc này lên án hủ tục trêu ghẹo vẫn đang là nỗi ám ảnh của cô dâu, chú rể ở một số nơi của Trung Quốc.
Bà của chú rể cầm theo chiếc gậy bảo vệ các cháu trước những hành vi trêu chọc quá khích. Ảnh - Douyin
Chia sẻ về sự việc, cha của chú rể trong video cho biết, một số thanh niên ở địa phương cố tìm cách trêu chọc chú rể nên người bà đã nhặt một cây gậy và "dằn mặt" đám thanh niên xung quanh, để đưa các cháu về nhà an toàn.
Trong đoạn video, người bà nói: “Ai dám động vào cháu tôi, tôi sẽ lấy gậy vụt” và bà luôn đi đằng trước để bảo vệ hai cháu.
Qua sự việc, nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng truyền thống chọc ghẹo trong đám cưới cổ xưa đã bị biến tướng thành những trò đùa quá khích ở nhiều nơi, cần phải hủy bỏ.
Thực tế, hồi đầu năm, chính quyền địa phương tại thành phố Zunyi, Quý Châu, nơi gia đình chú rể sinh sống, cũng khuyến khích người dân báo cáo các trường hợp trêu chọc quá khích trong đám cưới.
Được biết, đây là hủ tục náo hôn, trong tiếng Trung Quốc là naohun, một tục lệ xuất hiện từ thời nhà Hán và tồn tại ở Trung Quốc hàng nghìn năm nay. Theo tục này, khách bên nhà trai sẽ khuấy động hôn lễ bằng cách trêu chọc cô dâu, chú rể và cả các phù dâu. Chẳng hạn, khách mời yêu cầu chú rể hôn cô dâu hoặc làm một số nhiệm vụ ngượng ngùng.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, tục náo hôn bị biến tướng và không còn phù hợp, chẳng hạn như cặp đôi mới cưới cùng phù dâu bị lột đồ, bị trói, hoặc phải mặc trang phục, thực hiện hành vi khiếm nhã, gây nên nỗi ám ảnh cho không ít người trong ngày đám cưới.
Thậm chí, năm 2018, hủ tục này còn khiến một chú rể họ Xia bị tàn tật. Anh này bị các thanh niên trói chặt chân tay dẫn đến mất thăng bằng và ngã.
Năm ngoái còn xảy ra vụ việc một chú rể bị khách mời trói vào cây và đánh liên tục. Chú rể càng kêu thét thì đám đông càng đánh mạnh, coi đây như một cách chúc phúc cho cặp đôi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận