Y tế

Một phụ nữ bị tấy đỏ, chảy dịch vùng cánh tay và bụng sau tiêm tan mỡ

05/09/2022, 10:02

Nhiều người lầm tưởng tiêm tiêu mỡ ở vùng bụng, đùi… để giúp giảm béo nhưng kỹ thuật này chỉ hiệu quả ở những vùng mỡ cục bộ như cằm, lưng.

Xuất hiện nhiều ổ viêm sau tiêm tan mỡ

Mới đây, BV ĐK Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận 1 nữ bệnh nhân Đ.T.T. (27 tuổi, TP.HCM) đến khám với vùng bụng và cánh tay bị nổi nhiều mụn chai cứng có gờ, đỏ tấy kèm đau, một số chỗ vẫn đang chảy dịch, viêm nhiễm.

Trước đó, bệnh nhân có tiêm thuốc tiêu mỡ tại một cơ sở thẩm mỹ, sau tiêm mặt trong bắp tay và vùng bụng xuất hiện 1 – 2 mụn cứng. Đặc biệt, mỗi lần massage theo liệu trình, mụn nổi nhiều hơn nhưng cơ sở thẩm mỹ giải thích do thuốc tác dụng chậm, tan từ từ.

img

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân (ảnh minh họa)

Sau 2 tháng tiêm thuốc tiêu mỡ bụng, những cục mụn cứng chai cứng hơn, tấy đỏ, chảy dịch và đau. Xung quanh bụng cũng xuất hiện nhiều mụn nhỏ rỉ mủ máu nhưng bệnh nhân đã tự nặn ra.

Chị T. cũng đã uống kháng sinh 7 ngày nhưng không thuyên giảm nên mới tìm đến bệnh viện.

Theo lời chia sẻ của chị T. với bác sĩ, trước đó, chị từng tiêm thuốc giảm béo 2 lần ở một spa khác nhưng không nổi mụn như lần này.

Tại bệnh viện, chị T được bác sĩ nhận định, vùng bắp tay (2 bên) xuất hiện ổ viêm kích thước khoảng 1cm; vùng bụng phía trên hông bên trái có 5-6 cục u xơ cứng, còn phía bên phải cũng có các cục viêm. Siêu âm cũng cho thấy có dịch trong những cục nốt ở vùng bụng và bắp tay, có biểu hiện áp xe, bề mặt viêm đỏ.

Nếu để lâu sẽ gây nhiễm trùng và tiến triển thành ổ áp xe. Những nốt cục mà bệnh nhân nặn ra trước đó đang xẹp nhưng vẫn còn cục nhân cứng nhỏ do hình thành mô xơ.

Cẩn trọng biến chứng sau tiêm tan mỡ

Theo BS. Đặng Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, sau khi đưa vào cơ thể, thuốc sẽ tác động vào mô mỡ chuyển thành nước, cơ thể sẽ hấp thu và đào thải ra ngoài theo đường bài tiết.

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân như tiêm sai kỹ thuật; thuốc không được bảo quản đúng cách; thuốc hết hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng… khiến thuốc không thể tan sau khi tiêm vào cơ thể và hình thành những cục vật thể lạ, cơ thể sẽ phản ứng để loại trừ vật thể lạ và gây ra tình trạng nốt cục, nhọt hoặc ổ viêm.

Hơn nữa, nhiều người lầm tưởng tiêm tiêu mỡ ở vùng bụng, đùi… để giúp giảm béo nhưng thực chất kỹ thuật này chỉ hiệu quả khi áp dụng cho những vùng mỡ cục bộ như cằm, lưng… và cần có sự tư vấn của bác sĩ.

Theo khuyến cáo của BS. Bích, nếu xuất hiện biểu hiện sưng tấy, chảy mủ… sau khi tiêm tan mỡ, người bệnh cần phải đến bệnh viện để điều trị các nốt viêm do tiêm thuốc càng sớm càng tốt. Nhiều trường hợp, thuốc tiêm tan mỡ phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh nơi thuốc đi đến, khiến tình trạng hoại tử lan rộng, ăn sâu sẽ càng gây khó cho quá trình điều trị khắc phục.

Lúc đó, cần cắt lọc ổ hoại tử, nguy cơ mất da-cơ, có thể để lại sẹo xấu vĩnh viễn, gây mất thẩm mỹ. Những biến chứng khó lường cũng có thể xảy ra, ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể đối diện nguy cơ sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

Chia sẻ thêm về hệ lụy của tiêm tan mỡ, BS. Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu – Thẩm mĩ, BV ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, tiêm tan mỡ dùng phương pháp vi điểm, tiêm nhiều mũi tiêm lên vùng mỡ nên nếu không sát khuẩn vô trùng sẽ đễ gây ra nhiễm trùng mũi tiêm, tạo ổ mủ liên tục ở các nốt tiêm, rất khó lành.

Nhiều bệnh nhân phải điều trị 6-9 tháng các vách ổ mủ mới lành và để lại sẹo co kéo, dính mô mỡ, gây mất thẩm mĩ nghiêm trọng. Ngoài ra hậu quả nữa ở tiêm tan mỡ là gây ra tình trạng bầm, hoại tử do người thực hiện tiêm sai kỹ thuật, hay chất lượng thuốc không đảm bảo…

BS. Bích cho hay, nguyên nhân mỡ tích lũy là do chế độ ăn uống, vận động không hợp lý đã diễn ra trong một thời gian dài. Do đó, cần có thời gian điều tiết chế độ ăn uống kèm với tập luyện mới có thể giảm mỡ. Nếu có nhu cầu can thiệp giảm béo, người bệnh nên chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, với đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, máy móc kỹ thuật hiện đại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.