Âm nhạc

MV mới của Sơn Tùng M-TP chứa thông điệp độc hại, khán giả phản ứng gay gắt

29/04/2022, 12:05
image

MV "There is no one at all" của Sơn Tùng M-TP được nhận xét chứa thông điệp độc hại. Thậm chí, MV đáng nhận sự phản đối lớn từ phụ huynh.

Kết MV gây tranh cãi

MV "There is no one at all" của Sơn Tùng M-TP lên sóng tối 28/4 nhận những cơn mưa lời khen về ý tưởng mang tính đột phá.

Theo đó, nam ca sĩ đã mang dòng nhạc hiphop pha thêm rock vốn được ưa chuộng và phổ biến trên thế giới thể hiện tham vọng muốn chinh phục thị trường âm nhạc quốc tế.

img

Sơn Tùng M-TP (trái) bị bóc mẽ tạo hình giống Daesung

Trong "There's no one at all", Sơn Tùng M-TP là một chàng trai mồ côi, có tuổi thơ khốn khó. Anh là đứa trẻ mồ côi, lớn lên từ cô nhi viện.

Lớn lên, anh trở thành một kẻ lang thang, ương ngạnh và coi việc tấn công mọi người vô cớ như cách để khẳng định sự tồn tại của mình giữa thế giới anh ta vô cùng chán ghét.

Sau những ngột ngạt phải chịu đựng, kết thúc MV là cảnh anh tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy lầu.

Đáng nói, nội dung MV có nhiều cảnh bạo lực, đặc biệt nội dung phản cảm mà không được dán nhãn cảnh báo. Điều này lập tức khiến nam ca sĩ bị dư luận chỉ trích dữ dội.

img

Tạo hình của Sơn Tùng M-TP trong MV "There is no one at all"

Nhà văn Mèo Xù (tác giả cuốn "Cứ tin mình sẽ hạnh phúc") cho rằng, đây là một MV tệ và một thông điệp quá sức độc hại, giữa bối cảnh này. Chắc chắn đây là MV đáng nhận được sự phản đối rất lớn của những bậc phụ huynh. "Nhưng nếu sử dụng chiêu PR bằng cách kích động cả sự ám ảnh của xã hội, làm hình mẫu cho việc tự sát, thì điều đó càng cần phải bị tẩy chay", Mèo Xù bày tỏ.

Trong khi đó, ông Lâm Minh Chánh - giảng viên trường Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni nhận định, trong MV, Sơn Tùng đã không chọn cách chiến đấu khác với cuộc đời mà đã chọn nhảy lầu như là một sự phản kháng cuối cùng, một lối thoát cho tình cảnh “không có một ai”. Cũng có thể Sơn Tùng muốn nói đến thân phận của những người cô đơn, nói đến sự thờ ơ của xã hội.

"Nhưng vấn đề là với lượng fan rất lớn, gồm nhiều bạn trẻ, cách chọn nhảy lầu của Sơn Tùng có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của fan, và các bạn trẻ có thể bắt chước cách từ bỏ đó cho những hoàn cảnh cô độc hay khó khăn của mình", ông Chánh lo ngại.

Giới chuyên gia lo ngại

Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia tâm lý Hoàng Thuý Hải cho rằng, thực trạng các video nhảm nhí, phản cảm, độc hại... tràn lan trong thời gian qua là vấn đề nhức nhối, đáng báo động.

"Bản thân những nghệ sĩ, người nổi tiếng đều có sự hiểu biết, nhận thức đầy đủ, chắc chắn họ sẽ hiểu được nguy cơ tiềm ẩn từ những nội dung độc, hại do mình làm ra.

Nhưng, chỉ vì cái lợi của bản thân mà họ bất chấp tư lợi. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, hành vi của một vài đối tượng mà còn với cả một thế hệ tương lai, đó là trẻ em, trẻ vị thành niên", bà Hoàng Thuý Hải nhận định.

img

Giới nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra, việc chia sẻ, lan truyền nội dung liên quan đến tự tử, đặc biệt những hình ảnh cụ thể về quá trình tự sát, có khả năng kích hoạt một loạt vụ “tự tử bắt chước” (copycat suicide).

Trong đó, người có ý định tự tử bắt chước theo lời kể hoặc mô tả về vụ tự tử gốc trên truyền hình hay các phương tiện truyền thông khác.

Các vụ tự tử đôi khi lan truyền trong hệ thống trường học, thông qua cộng đồng hoặc theo làn sóng tự tử của người nổi tiếng.

Nhà trị liệu tâm lý Kyle MacDonald (New Zealand) đã khẳng định với The Guardian rằng, chia sẻ video về tự tử là rất nguy hiểm.

“Nếu một đứa trẻ đang đau khổ tình cờ xem được video trên Facebook và tự kết liễu mạng sống của mình, Facebook có phải chịu trách nhiệm pháp lý không?.

Tôi hiểu rằng mọi người muốn truyền bá nhận thức về căn bệnh trầm cảm, nhưng lan truyền một đoạn video như vậy không phải cách làm đúng. Hãy nhớ rằng gia đình cô bé đã phải sống chung với nỗi đau và việc gợi cho họ về nó mỗi khi bật video không phải điều cần thiết”, Kyle MacDonald bức xúc khi Facebook cho phép lan truyền video một bé gái người Mỹ chưa vị thành niên tự quay lại hình ảnh cô tự tử.

Fan thất vọng

Trên fanpage chính thức của công ty M-TP, một số khán giả cũng đồng quan điểm: "Hiện nay tình trạng trẻ em tuổi vị thành niên mỗi khi bức bối bất mãn cuộc sống.

Thay vì giải quyết vấn đề hoặc tìm người chia sẻ các em ấy lại tìm đến cái chết. Fan của Tùng phần nhiều là các bạn trẻ. Cuối MV hình ảnh giọt nước mắt rơi và nhảy xuống từ 1 toà nhà rất dễ gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Tùng nên có hành động nhanh chóng cắt 2s cuối MV".

"Mình vẫn luôn ủng hộ các sản phẩm âm nhạc của Tùng, nhưng ca khúc này khi nghe mình cảm giác thấy thât sự không ổn. Nó mang lại cảm xúc tuyệt vọng. Hình ảnh cuối clip thật sự là một cách giải quyết áp lực ngu xuẩn. Sợ sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của người xem khi mà họ đang cảm thấy bế tắc".

Đối mặt chỉ trích, hiện phía Sơn Tùng M-TP vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức. Nội dung được nhận xét là phản cảm vẫn được giữ nguyên trong MV.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng

Liên quan đến việc quản lý thông tin trên mạng xã hội, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) vừa qua đã giao các đơn vị tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm thông tin xấu, độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội; xử lý, ngăn chặn, gỡ và yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ các thông tin nêu trên.

Trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm, bộ sẽ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, YouTube, Facebook... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư 38/2016/TT-BTTTT.

Đáng chú ý, Bộ TT-TT đang tích cực phổ biến Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam nhằm hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn; giúp người dùng nhận biết và cảnh giác hơn với thông tin giả mạo...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.