Tuyến đường QL217 huyết mạch qua xã Cẩm Phong bị tắc nghẽn liên tục vì nhà thầu đổ bùn đất, vật liệu thải tràn lan |
“Bỏ quên” công tác đảm bảo ATGT
Những ngày cuối tháng 10/2018, PV Báo Giao thông trở lại công trường thi công dự án nâng cấp mạng lưới giao thông tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), hợp phần nâng cấp, mở rộng QL217 giai đoạn 1+2, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa. Ghi nhận của PV, trên toàn tuyến, nhiều vị trí thi công không được đảm bảo ATGT, gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân địa phương bức xúc.
Tại gói thầu thi công cải tạo hệ thống chiếu sáng, vỉa hè, sử dụng vốn dư của Dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 1, cả đoạn đường dài khoảng 4km từ thôn Phong Ý lên thôn Nghĩa Dũng (xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy), bị biến thành bãi chứa bùn đất thải, rác xây dựng của đơn vị thi công. “Họ đưa máy về làm gần 1 tuần nay. Cống rãnh, vỉa hè 2 bên đường bị múc lên cả. Bùn đất, gạch vữa đổ tràn trên mặt đường, xe cộ không đi lại được. Bụi bặm ô nhiễm vô cùng”, anh Trần Văn Trung (45 tuổi, ngụ thôn Phong Ý) nói.
Dọc 2 gói thầu thi công đường QL217 đoạn huyện Cẩm Thủy và Bá Thước (thuộc giai đoạn 2), các đơn vị thi công không chú trọng đến công tác đảm bảo ATGT. Có những đoạn đường trên địa bàn huyện Bá Thước, máy múc đất sâu xuống gần 1m nhưng không được rào chắn đảm bảo giao thông. Một số đoạn đang thi công lưa thưa vài cọc tiêu, không có dây phân làn, không người điều tiết đảm bảo giao thông khi xe máy ra vào công trường; công tác vệ sinh môi trường cũng bị bỏ ngỏ.
Thế nhưng, kỹ sư Võ Văn Tưởng, cán bộ Ban điều hành của Liên danh Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long và Tổng công ty XDCTGT 1 lại quả quyết: “Chúng tôi luôn có 1 xe chuyên dụng tưới nước tránh gây ô nhiễm. Trên tuyến thi công cũng thuê người làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông. Các cọc tiêu và dây phản quang cảnh báo đều có cả (?)”.
Cũng theo kỹ sư Võ Văn Tưởng, hiện trên công trường của đơn vị có tổng cộng 50 kỹ sư, công nhân, 40 đầu xe máy, chia làm 3 mũi để thi công theo kiểu cuốn chiếu. Đào đến đâu đắp đến đó. Mấy hôm nay trời mưa nên mọi người tập trung đúc cấu kiện bê tông tại bãi. Trong khi trước đó, PV cùng đại diện chủ đầu tư đi kiểm tra tuyến, trên công trường chỉ lưa thưa vài nhóm người thi công, phương tiện, xe máy rất ít. Bãi đúc cấu kiện cũng chỉ có khoảng 10 công nhân đang đan thép, lắp ván khuôn.
“Có chuyển biến, nhưng rất chậm”
Ngày 7/9, kiểm tra dọc tuyến QL217, Thứ trưởng Lê Đình Thọ phê bình nghiêm khắc Ban QLDA Thăng Long và các đơn vị thi công trên tuyến về công tác tổ chức thi công và công tác đảm bảo ATGT. Nhiều vị trí thi công chưa được bố trí đầy đủ hệ thống đảm bảo ATGT theo quy định. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị phải khẩn trương khắc phục ngay các tồn tại, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện dự án chưa có nhiều chuyển biến.
Dự án nâng cấp mạng lưới giao thông GMS phía Bắc lần 2 (QL217) vay vốn ADB giai đoạn 2 được chia làm 3 gói thầu. Gói thầu số 1: Xây dựng nút giao vượt đường sắt Bắc - Nam và QL1A do Liên danh Tổng công ty Thăng Long - Công ty CP Xây dựng và đầu tư hạ tầng Dầu Khí thực hiện; Gói thầu số 2 - Hợp phần 2.1: Nâng cấp đoạn Km 59+900 - Km 82+200 qua huyện Cẩm Thủy và Bá Thước, do Liên danh Công ty CP Tân Thành và Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất. Gói thầu số 2 - Hợp phần 2.2: Nâng cấp đoạn Km 82+200 - Km 104+475 qua huyện Bá Thước do Liên danh Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 thực hiện. Dự án được khởi công từ ngày 16/5, thời gian thi công là 18 tháng. Dự án sử dụng vốn dư giai đoạn 1 cũng được chia ra làm 3 gói thầu, với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 9/2018, thời gian hoàn thành trước 25/12”. |
Thừa nhận việc nhà thầu chưa thực hiện công tác đảm bảo ATGT và VSMT trong quá trình thi công, ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc điều hành dự án vốn dư giai đoạn 1, Ban QLDA Thăng Long cho biết: Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa đến hạn phải thực hiện xong cả 3 gói thầu sử dụng vốn dư giai đoạn 1 do liên quan đến thời hạn tài trợ vốn của ADB. Vì vậy, ưu tiên số 1 được ban đặt ra lúc này là tiến độ.
“Chúng tôi đặt mục tiêu, mỗi tháng phải đạt 40% khối lượng công việc. Hiện, mới thi công được khoảng 24%. Để đạt được mục tiêu này, Ban chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân công thiết bị tới mức tối đa, thậm chí thực hiện cả việc luân chuyển khối lượng giữa các nhà thầu”, ông Trung nói.
Riêng việc thi công ở xã Cẩm Phong, ông Trung lý giải, điểm thi công này đường hẹp, vừa làm vừa điều chỉnh thiết kế nên dẫn đến tình trạng đất, đá dồn ứ ở công trường cản trở giao thông. Hiện, Ban đã làm việc với công an huyện để tiến hành cấm đường, phân luồng không cho ô tô đi qua khu vực này. Ngoài ra, có phương án đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong trường hợp thi công ảnh hưởng đến đường ống nước.
Còn ở dự án giai đoạn 2, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, sau chuyến thị sát của Thứ trưởng Lê Đình Thọ, các nhà thầu đã có nhiều chuyển biến nhưng... vẫn rất chậm. Thực tế, các nhà thầu chưa tập trung máy móc đẩy nhanh tiến độ, chưa sử dụng đúng mục đích nguồn tài chính đã giải ngân. Thời tiết mưa liên tục cũng khiến dự án chưa thể tăng tốc.
“Sắp tới chúng tôi sẽ áp dụng phương án kiểm soát 3 bên đối với nguồn vốn đã giải ngân cho các nhà thầu. Đảm bảo số tiền ban đã chuyển cho nhà thầu không bị chảy sang dự án khác. Bên cạnh đó, Ban cũng đã tăng cường đội ngũ cán bộ điều hành tại hiện trường, cùng tư vấn, các đơn vị thi công xây dựng lại đường găng tiến độ”, ông Dũng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận