Rất nhiều hải sản sống tại tầng đáy 4 tỉnh dọc miền Trung trong phạm vi 25 km từ bờ biển trở ra chưa an toàn để tiêu thụ |
Người bán hải sản: Chợ nay đông quá, bác mua nhanh kẻo hết, cả tháng nay mới được ngày bán hải sản sướng tay thế này (mặt hớn hở).
Người mua: (tay nhấc từng con ghẹ đỏ óng được buộc lạt sạch sẽ) Ngon quá, giá bao nhiêu, mấy tháng nay tôi mới dám ăn lại hải sản. Qua vừa thấy ti vi nói hải sản miền Trung ăn được rồi.
Người bán: Vâng, ăn được cả rồi đấy bác, cá thu, cá cơm tuyệt ngon kia, nay làm bữa hải sản túy lúy cho đỡ nhớ bác ạ.
Người mua: Này, chú hộ khẩu ở đâu? Có hiểu tôi hỏi gì không? Thường trú chỗ nào?
Người bán: Em ở ngay chợ Thành Công đây thôi, thường trú ở đây nhưng hộ khẩu vẫn ở quê, Hà Tĩnh đó bác. Cảm ơn bác quan tâm.
Người mua: Khổ, tôi hỏi là hỏi con ghẹ này chứ ai hỏi chú? Con ghẹ này còn sống nguyên, nó mà nói được nó thường trú ở đâu tôi mới dám mua.
Người bán: Gớm bác cứ đùa, con ghẹ mà biết nói năng thì bác quản lý hàm răng chả còn. Bác hỏi gì hỏi thẳng em cho nhanh mà không mua thì đi chỗ khác, em thừa thời gian đâu mà đùa với bác
Người mua: Thì hôm qua cũng trên ti vi, tôi thấy nói: Ghẹ, tôm, mực, cua đá, cá đuối, cá đục... sống ở tầng đáy trong vòng bán kính 25km từ bờ biển bốn tỉnh miền Trung trở ra là chưa ăn được. Con cá, con cua tươi rói thế này, nó bò ra bò vào, bơi lội tung tăng ai biết nó ở chỗ nào, không hỏi nó thì hỏi ai? Ai biết nó nhiễm độc?
Người quản lý (ở đâu sộc tới): Toét, toét. Đề nghị cho chúng tôi kiểm tra nguồn gốc lô hàng này....
Người bán: Đấy, nhờ bác nói hộ chứ người mua họ không tin. Họ nói, ghẹ trong hay ngoài 25km từ bờ biển ra nó có khác màu không chứ cùng đỏ cả thế này ai phân biệt được. Em cắn cỏ em lạy các bác quản lý nghĩ ra cách nào, cấm triệt để đánh bắt gần bờ mấy cái con này hoặc bôi màu hay gắn chíp vào hải sản, chứ không quản lý được hộ khẩu với việc di cư của hải sản chúng em lại ế. Vừa thoát ế được mấy ngày các bác ạ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận