Chỉ 3 ngày ngắn ngủi với hành trình về nguồn đã cho chúng tôi những cảm xúc khó quên ở mảnh đất địa linh nhân kiệt Nghệ Tĩnh (tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh). Mỗi nơi dừng chân đều khơi gợi cho cán bộ, đoàn viên thanh niên VCB Đắk Lắk về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và cả những hy sinh xương máu của các thế hệ anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.
Hành trình về "Làng Trù quê mẹ" và "Làng Sen quê cha"
Sau hơn một giờ đồng hồ trên chuyến bay từ thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, đoàn chúng tôi đáp Cảng Hàng không quốc tế Vinh, tỉnh Nghệ An vào chiều muộn cuối tháng 8/2024. Nghệ An - mảnh đất từng được ví như một "Việt Nam thu nhỏ" quả không sai với lịch sử văn hóa lâu đời, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng.
Từ thành phố Vinh đi theo Quốc lộ 46 khoảng 15 km, hướng dẫn viên dẫn đoàn chúng tới Khu di tích Kim Liên ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vào sáng 24/8/2024 (trùng ngày 21/7 Âm lịch) - đúng vào dịp Lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 55. Tại đây, cán bộ, đoàn viên VCB Đắk Lắk đã dâng hoa, dâng hương lên anh linh Bác và thân phụ, thân mẫu và anh chị em của Người với một niềm thành kính và biết ơn sâu sắc.
Với chất giọng Nghệ đặc trưng, trầm ấm của thuyết minh viên tại Khu di tích Kim Liên đã "cuốn" chúng tôi và du khách theo những câu chuyện về Bác, về "Làng Trù quê mẹ" và "Làng Sen quê cha".
Đến với "Làng Sen quê cha", những hình ảnh xưa cũ của làng Sen gắn liền với tuổi thơ Bác vẫn được lưu giữ đến bây giờ như một miền ký ức đẹp. Dừng chân tại mái nhà cả gia đình Bác từng sống, các vật dụng vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên như phản gỗ, mâm gỗ sơn đen, chiếc tủ đứng, giường, rương đựng lương thực... Cụm Di tích làng Sen còn có những công trình quan trọng khác như Giếng Cốc, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà trưng bày hiện vật của gia đình Bác…
Cũng tại mảnh đất này, Bác được học với những người thầy nổi tiếng, làm liên lạc cho các sĩ phu yêu nước và ảnh hưởng sâu sắc bởi đức độ, phẩm cách, đặc biệt là tư tưởng tiến bộ, yêu nước, yêu thương nhân dân của người cha mình, góp phần quan trọng khởi nguồn cho một tình yêu quê hương đất nước, lý tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Người.
Dừng chân tại Cụm di tích Hoàng Trù nằm trong khuôn viên khu vườn của cụ Hoàng Xuân Đường, ông ngoại của Bác, rộng hơn ba héc-ta gồm có ngôi nhà tranh năm gian của cụ Đường, nhà thờ họ Hoàng Xuân và ngôi nhà tranh ba gian ông giáo Đường làm cho con gái Hoàng Thị Loan và con rể Nguyễn Sinh Sắc. Tại ngôi nhà này, Bác Hồ kính yêu đã cất tiếng khóc chào đời và gắn bó tuổi thơ với nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Rời "Làng Trù quê mẹ" và "Làng Sen quê cha", chúng tôi đến Khu mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên đỉnh Động Tranh thuộc dãy núi Đại Huệ ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Nơi đây có phong cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ, cây cối bốn mùa xanh tươi. Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu lòng yêu nước, sớm được cụ thân sinh Hoàng Xuân Đường truyền chữ, được thân mẫu bà Nguyễn Thị Kép truyền cho nghề xe tơ, dệt lụa, làm đồng áng. Bà là người hội tụ đủ các đức tính "Công – Dung – Ngôn – Hạnh" của mẫu người phụ nữ Á Đông. Năm 1883, bà kết hôn với người học trò nghèo của cha là ông Nguyễn Sinh Sắc. Từ đó, bà lo toan mọi công việc trong gia đình, giúp đỡ cha mẹ để chồng có điều kiện thi cử đỗ đạt.
Phần mộ bà Hoàng Thị Loan được thiết kế như một bông sen cách điệu khổng lồ - biểu tượng cho quê hương của Bác, biểu hiện cho cuộc đời bất tử, cao đẹp của bà Hoàng Thị Loan - với đầy đủ 3 phần đế, đài và tâm. Từ vị trí cao nhất của phần mộ bà Hoàng Thị Loan có thể bao quát bức tranh non nước hùng vĩ với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của mảnh đất xứ Nghệ. Đặc biệt từ vị trí này, có thể trông thấy Hoàng Trù quê ngoại và Làng Sen quê nội nằm ngay dưới chân ngọn núi Chung.
Dấu tích vị anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ
Đoàn về nguồn đến với khu di tích Phượng Hoàng Trung Đô, vốn là kinh thành do Hoàng đế Quang Trung xây dựng còn dang dở bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Thành được xây vào năm 1788, tại đây Vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm.
Mặc dù Kinh Đô chưa được xây dựng xong nhưng từ đây Vinh trở thành mốc son lịch sử được chọn làm Kinh Đô cho cả nước và cũng chính thức trở thành Trấn sở Nghệ An.
Để phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử của di tích, thể theo nguyện vọng của nhân dân nhằm tỏ lòng biết ơn Hoàng đế Quang Trung, năm 2005 tỉnh Nghệ An đã khởi công xây dựng đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết. Công trình khánh thành đúng dịp kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô (7/5/2008) mang ý nghĩa tâm linh và có giá trị lịch sử sâu sắc.
Đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết là một điểm hành hương tâm linh gắn với du lịch, là nơi du khách tưởng nhớ công ơn của người anh hùng áo vải của dân tộc và thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của mảnh đất địa linh nhân kiệt. Tại đây, đoàn dâng hương tưởng nhớ vị vua anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhân vật với những trang sử đầy tự hào, vẻ vang của lịch sử đất nước, một vị anh hùng áo vải, một thiên tài quân sự, một vị vua anh minh của dân tộc, người có công lao to lớn trong sự nghiệp thống nhất đất nước.
Ngã ba Đồng Lộc – huyền thoại tuổi thanh xuân
Rời thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, chúng tôi di chuyển đến Ngã Ba Đồng Lộc thuộc địa phận Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh thăm địa chỉ đỏ Ngã Ba Đồng Lộc.
Tại đây, chúng tôi đã được nghe kể chuyện về sự hy sinh của hàng ngàn thanh niên xung phong (TNXP), dân quân, bộ đội… Họ đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để góp sức thông đường, thông xe ra tiền tuyến, góp sức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Theo lời giới thiệu của Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, trong những năm chiến tranh, Ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Đây được coi là "yết hầu" của mạch giao thông nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam" nên đế quốc Mỹ đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này nhằm chặn chi viện của hậu phương ra tiền tuyến.
Cũng tại mảnh đất thiêng liêng này, các chiến sĩ Ngã ba Đồng Lộc thời đó đã tuyên thệ: "Máu có thể ngừng chảy, tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc". Trên tuyến đường này, máu của hàng trăm, hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống ngã ba trận địa, viết nên những khúc tráng ca bất tử.
Đặc biệt là sự hy sinh của 10 cô gái TNXP vào chiều ngày 24/7/1968. Họ đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông, góp phần cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn đất nước. Họ là mười bông hoa bất tử thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, trong đó có những chị mới chỉ mười tám, đôi mươi như chị Võ Thị Hà (17 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi)…
Cũng tại nơi đây, chúng tôi được nghe những câu chuyện về anh hùng lực lượng vũ trang La Thị Tám, Vương Đình Nhỏ, Nguyễn Xuân Lứ, anh hùng liệt sỹ Nguyễn Triều Chung sẵn sàng hy sinh thân mình để phá bom thông đường, người tổ trưởng cảnh sát giao thông anh hùng Nguyễn Tiến Tuẩn, anh hùng anh hùng lao động Nguyễn Tri Ân.
56 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc, sự hy sinh anh dũng của những người lính và lực lượng TNXP vẫn còn nguyên giá trị. Đó là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường, tinh thần dũng cảm của quân và dân ta.
Hiện nay, với sự đa dạng về thông tin và các nguồn tiếp cận từ truyền thống đến nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo, youtube…). Chưa bao giờ CBNV và đảng viên có nguồn thông tin đa dạng, phong phú hỗ trợ đời sống tinh thần như hiện tại.
Tuy nhiên, bên cạnh đó là những thông tin tràn lan, không được kiểm chứng, thông tin độc hại, phản động, xuyên tạc nhằm làm phai nhạt lý tưởng, phai nhạt hình ảnh của các anh hùng đã hy sinh xương máu cho đất nước, dẫn đến nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ đảng viên và người lao động rất cao.
Vì vậy, hoạt động tri ân, về nguồn đã và đang góp phần tích cực giáo dục truyền thống cách mạng, tự hào dân tộc, lòng yêu nước và biết ơn của thế hệ sau đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập tự do, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam cũng như những đóng góp to lớn đến văn hóa, khoa học cho đất nước.
Chuyến hành trình về nguồn của Đảng bộ VCB Đắk Lắk đã để lại những ấn tượng và cảm xúc khó quên. Trong chiến thắng có mất mát, hy sinh, cái giá phải trả cho độc lập, thống nhất là vô cùng to lớn. Sự hy sinh, cống hiến hết mình của các thế hệ cha anh chính là tấm gương soi sáng cho các thế hệ tiếp sau sống và làm việc làm sao cho xứng đáng với những người đã hy sinh vì Tổ Quốc.
Bằng niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước và biết ơn đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập tự do, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đảng bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên VCB Đắk Lắk luôn nỗ lực hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao ý thức, trách nhiệm của CBNV và đoàn viên thanh niên đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, chú trọng thực hiện các hoạt động tri ân, an sinh xã hội, gắn kết bền chặt với thôn buôn kết nghĩa, góp phần xây dựng một "Vietcombank xanh", đất nước phồn thịnh.
(Hoàng Xuân Thành - Đậu Phan Hoàng Yến)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận