Một kho lưu trữ đạn dược chứa chất độc hại đã bị tiêu hủy tại cơ sở Kizner ở Udmurtia của Nga |
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết ngày 12/8, hoạt động tiêu hủy vũ khí hóa học của Moscow được OPCW xác nhận, trong khi đó Mỹ vẫn chần chừ và đề nghị hoãn tiến trình này lại cho đến đầu những năm 2020.
Tuyên bố này được đưa ra nhằm đáp trả yêu cầu của Mỹ, đó là Nga phải mời các quan sát viên quốc tế tới những tập đoàn liên quan tới hóa học.
Ông Lavrov nêu rõ: “3 năm trước, dựa trên kết quả của tất cả các cuộc kiểm tra có thể chứng thực được, chúng tôi nhận được xác nhận từ Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) rằng tiến trình giải trừ vũ khí hóa học của Nga hoàn tất”.
“Mỹ cũng có thời hạn chót hoàn tất quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân như Nga song đã đề nghị trì hoãn tới đầu những năm 2020. Thế nên ta hãy bàn về vấn đề trong tiến trình giải trừ vũ khí hóa học của Mỹ”, ông Lavrov nói với báo giới.
Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố Washington sẽ áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga với lý do Moscow phải chịu trách nhiệm trong vụ đầu độc cựu điệp viên Sergey Skripal và con gái tại Anh vào tháng 3/2018.
Mỹ cũng đe dọa sẽ bắt đầu giai đoạn 2 của các lệnh trừng phạt khắc nghiệt trừ khi Moscow cho phép các quan sát viên quốc tế tới những cơ sở an ninh và khoa học của nước này để xác định các vũ khí hóa học không được sản xuất tại những địa điểm đó.
Theo báo cáo, nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên, dự kiến có hiệu lực vào ngày 22/8, sẽ bao gồm lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa an ninh quốc gia nhạy cảm sang Nga. Trong khi đó, nhóm các lệnh trừng phạt nặng hơn được cho là bao gồm việc hạ cấp quan hệ ngoại giao, cấm hãng hàng không Nga Aeroflot bay sang Mỹ và cắt giảm gần như tất cả hàng xuất khẩu và nhập khẩu giữa hai nước.
Ngoại trưởng Lavrov một lần nữa nhắc lại rằng Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ và nói rằng, bất cứ ai lắng nghe về vụ việc đối với hai cha con ông Skripal cũng hiểu sự phi lý của cáo buộc mà Anh và các nước phương Tây đang áp đặt.
Vương quốc Anh đã tuyên bố rằng cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc bởi chất độc thần kinh Novichok (do Liên Xô cũ sản xuất từ những năm 1980) và dựa trên điều này, đổ lỗi cho Nga về vụ tấn công.
Tuy nhiên, hơn 4 tháng sau vụ việc, London vẫn chưa thể đưa ra bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào về sự tham gia của Moscow trong việc đầu độc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận