Đó là làng Kon Sơ Lăl ở xã Hà Tây, huyện Chư Păh, Gia Lai.
“Bảo tàng” của làng
Do bị bỏ hoang nên những căn nhà giữa rừng Kon Sơ Lăh ngày càng hoang tàn, xuống cấp
Sông Đăk Bla uốn quanh dãy Trường Sơn. Sông cứ thế mải miết qua các cánh rừng, rồi uốn lượn qua những ngôi làng người đồng bào Ba Na ở xã Hà Tây.
Cuộc sống nương rẫy, săn bắt ở rừng khiến những ngôi làng người Ba Na gần như tách biệt với bên ngoài.
Hơn 20 năm trước, để đồng bào bớt khổ, con cháu người Ba Na dễ dàng đến trường, một cuộc định canh định cư lớn nhất tại xã Hà Tây đã diễn ra.
Người dân đồng thuận di dời để làm ăn dễ hơn, nhất là con cái đi học được thuận lợi hơn.
Đây thực sự là một ngôi làng đẹp hiếm có của người dân Ba Na và là tiềm năng phát triển du lịch của địa phương. Sắp tới, huyện sẽ khảo sát và phối hợp cùng các ngành liên quan để tìm phương án gìn giữ nét đẹp của ngôi làng, đưa làng cũ tại xã Hà Tây trở thành điểm đến du lịch.
Ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh
Đường vào Kon Sơ Lăh (làng mới) thuận lắm. Đường nhựa láng bóng, xe cứ thế chạy phăm phăm.
Đứng trước nhà rông, Vũ (31 tuổi, làng Kon Sơ Lah) chỉ tay về hướng núi: “Anh cứ theo hướng cửa chính nhà rông ấy, cứ chạy xe miết là tới”. Đó là đường vào làng cũ.
Băng qua mấy quả đồi hun hút, rồi ngôi làng cũng dần hiện ra.
Làng có chừng hơn ba chục nóc nhà quần tụ trên một mảnh đất khá bằng phẳng, xung quanh là rừng.
Trừ vài mái ngói, tất cả nhà sàn nơi đây đều lợp tranh, sàn gỗ chắc chắn, vách nhà bằng liếp tre, nứa hoặc bằng đất sét trộn rơm. Hơn hai chục năm dãi dầu mưa nắng, tất cả vẫn ánh lên màu sắc bắt mắt.
Từng ngôi nhà đều thể hiện sự công phu, tỉ mẩn, khéo léo của những người đã tạo ra chúng.
Thoạt nhìn, chúng lặng lẽ đứng cạnh nhau không theo trật tự nào, song cuối cùng đều quây lấy nhà rông như đám gà con quây lấy gà mẹ.
Thấp thoáng giữa làng là màu xanh tươi của những cây phượng vĩ, xoài, thanh long, mấy giàn bí. Toàn cảnh ngôi làng toát lên vẻ đẹp nguyên sơ, không sắp đặt- một vẻ đẹp hiếm gặp.
Rõ ràng, nơi đây đã từng là một cộng đồng trù phú. Tuy nhiên, vì vắng chủ đã lâu, đây đó cũng có vài ngôi nhà bắt đầu chìm vào lùm cây bụi cỏ, liếp nhà xộc xệch, mái tranh sạt xuống...
Hơn ba chục căn nhà, quần tụ trên một bãi đất trống đầy hố và cỏ dại. “Bãi đất trống đó xưa là nhà rông cũ đấy”, Vũ chỉ rồi cho biết, xưa khi dời làng, người dân vẫn giữ nguyên nhà rông.
Mấy năm trước, trong một cơn mưa dông, căn nhà rông bỗng bị sét đánh cháy: “Nhà rông lợp bằng tranh cao chót vót nên khi sét đánh cháy người dân chỉ ngước nhìn chứ không thể nào dập được. Tiếc lắm!”
Cách nhà rông tầm vài chục mét, là một căn nhà sàn lợp ngói lớn, Vũ chỉ rồi kể căn đó xưa là nhà thờ.
Một trong những công trình đẹp nhất của làng còn sót lại cũng úa màu thời gian với bậc thềm, mái ngói đã xộc xệch.
Có cảm tưởng chỉ cần một trận mưa to gió lớn, những ngôi nhà ấy có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Xưa khi dời làng, nhà thờ của làng cũng không tháo rời đi mà giữ nguyên.
Nhìn những tổ mối vừa mới đụn lên trên xà gỗ, Vũ như ngây người ra: “Xưa khi rời làng, vẫn có những người già không chịu.
Họ vẫn quẩn quanh nương rẫy ở gần nhà cũ, vẫn vãng lai đến ngôi nhà nguyện này để chăm sóc. Giờ thì ngôi làng bỏ hoang hết”.
Hoang tàn, xuống cấp
Làng cũ Kon Sơ Lăh hoang tàn theo năm tháng nếu không được gìn giữ, tu bổ
Khắp làng, cỏ dại mọc um tùm che khuất cả những lối mòn giữa những ngôi nhà. Cả làng chỉ còn 7 ngôi nhà còn nguyên vẹn bộ khung nhưng hầu hết cũng đã xập xệ.
Những bậc thang bước lên ngôi nhà đã bị mối mọt làm hư hại, mái nhà sàn không được tu sửa cũng mong manh trước gió.
Khó khăn lắm chúng tôi mới thấy một bóng người. Bà Deh, một trong những người hiếm hoi ở lại làng đang lụi cụi giặt áo quần ở một giếng nước nơi góc làng.
Thấy người lạ cầm máy hình để chụp, bà Deh ngại. Bà nói tiếng Kinh không rành. Bà không nhớ nổi năm nay bao nhiêu mùa rẫy nữa. Chắc là 80, nhưng mà cả đời này bà đã không rời làng...
Con cái chở ra nhà dăm ngày, bà lại bắt chở vào làng cũ. “Ở đây buồn nhưng mà thích.
Mình ở đây quen rồi, đi nơi khác ở không được. Ở đây yên tĩnh hơn, thỉnh thoảng dân làng vẫn đi làm rẫy qua làng nên cũng vui”, bà Deh chuyện trò.
Ngôi làng quá thân thuộc khiến bà Deh không nỡ rời về nơi ở mới với con cháu
Bà Deh kể, một trận sét đánh vào năm 2015 đã khiến nhà rông của làng cùng 12 căn nhà khác bị thiêu rụi hoàn toàn trong sự bàng hoàng, đau xót của dân làng. Sau đợt thiên tai ấy, làng cũ càng trở nên đìu hiu.
Già làng uy tín Yưuh khi được hỏi về ngôi làng cũ chỉ tặc lưỡi: “Dân làng dọn về làng mới ở, nhưng vẫn đau đáu với làng cũ.
Chúng tôi vẫn thường về làng cũ tổ chức ăn uống, hát hò. Cũng muốn giữ làng mãi, vì dù sao đó cũng là niềm tự hào, thành quả của những cha ông đi trước.
Nhưng giờ không có người ở thường xuyên, cũng không có kinh phí để tu sửa, chăm nom nên đành nhìn những ngôi nhà hư hại dần như thế”.
Rời làng cũ khi nắng lên rực rỡ. Ve rền rã dưới những tán lá. Thấp thoáng bóng người nhặt quả rụng trong vườn cây.
Khẽ ngoái nhìn lại những căn nhà dần khuất đầy nuối tiếc, ông Yưuh giọng trầm lại: “Người làng muốn dựng lại cái nhà rông ở làng cũ. Làng cũ không có nhà rông, nó cứ như người mất hồn ấy”.
Chúng tôi tìm đến UBND xã Hà Tây, ông Biên, Chủ tịch xã cho hay, xã cũng đã nỗ lực vận động người dân gìn giữ những ngôi nhà sàn, không vì lợi ích kinh tế mà bán nhà gỗ.
“Năm ngoái, có người ở làng khác vào mua một nếp nhà gỗ. Đâu đó 44 triệu đồng. Người làng họ thiếu tiền họ bán thôi. Không ngăn được.
Xã cũng đề nghị người làng không nên bán cho người ngoài vì như thế sẽ mất đi những giá trị đời cha ông để lại”, ông Biên nói và cho biết thêm: Thời gian qua, nhiều du khách đến tham quan làng cũ đều rất ấn tượng với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ nhưng cũng tiếc nuối vì không được tôn tạo, tu sửa.
“Chúng tôi rất muốn quảng bá, xây dựng ngôi làng trở thành địa điểm du lịch và đã có đề xuất từ lâu nhưng hiện tại vẫn chưa được quan tâm đầu tư kinh phí.
Hầu hết khách du lịch đến đây chỉ là tự phát, tự tìm tòi qua mạng xã hội chứ chưa thành một điểm đến của các tour du lịch thực sự”, ông Biên trăn trở.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận