Phế thải ngổn ngang, nguy cơ ô nhiễm
Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả dài 18,7km, rộng 6 làn xe, kết nối vịnh Hạ Long - Bái Tử Long và giảm tải cho QL18 qua Quảng Ninh đã chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng từ ngày 30/4 vừa qua.
Con đường chạy xuyên qua rừng ngập mặn, có điểm nhấn là đường hầm xuyên núi, mỗi ống có 3 làn xe, hiện được mệnh danh là con đường đẹp nhất Quảng Ninh.
Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đi qua vùng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ
Thế nhưng, sau 1 tháng đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đi vào hoạt động, tại nhiều khu vực ven đường, vật liệu thi công vẫn còn ngổn ngang, chưa được thanh thải.
Thực tế này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long, ảnh hưởng rừng ngập mặn và tác động tiêu cực đến sinh kế của một số người dân vốn mưu sinh dựa vào khai thác hải sản tự nhiên trên các bãi triều dọc tuyến đường đi qua.
Phế thải phục vụ thi công còn ngổn ngang ven đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả
Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 31/5, ở khu vực cửa hầm xuyên núi trên đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả thuộc địa phận phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, còn tồn một lượng đất, đá khá lớn. Do khu vực này nằm ở bãi triều, nên khi nước biển dâng cao đã cuốn đất, đá loang thành những vệt lớn ra ngoài xa.
Ven tuyến đường thuộc địa phận phường Quang Hanh, dễ dàng thấy đất, đá, vật liệu xây dựng vẫn còn ngổn ngang, nhiều chỗ lấp cả vào cánh rừng ngập mặn, khiến cho nhiều cây khó lớn lên được.
Đặc biệt, xung quanh núi đá mà quá trình thi công, chủ đầu tư đã nắn tuyến đường vào phía trong để bảo vệ cảnh quan, có tới hàng chục mét khối vật liệu, đất đá còn ngổn ngang, tiềm ẩn nguy cơ bị sóng biển đưa xa ra ngoài, nếu không kịp thời bốc dọn.
Ven tuyến đường thuộc địa phận phường Hà Phong, TP Hạ Long, những thảm rừng ven đường này có rất nhiều đất, đá vùi lấp khiến cho quá trình tái sinh của cây ngập mặn bị chậm lại.
Phế thải ở khu vực cửa hầm xuyên núi bị nước biển cuốn trôi ra ngoài bãi triều
Ai phải dọn phế thải ven đường bao biển?
Trong khi đất, đá, vật liệu phục vụ thi công dự án đang tác động tiêu cực đến rừng ngập mặn, ảnh hưởng đến vịnh Hạ Long thì đến thời điểm hiện tại, vấn đề thanh thải lại chưa ngã ngũ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng TP Cẩm Phả cho biết: Đơn vị không có trách nhiệm phải thanh thải những vật liệu mà chủ đầu tư giai đoạn 1 của dự án triển khai.
Lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng TP Hạ Long cũng trả lời tương tự với lý do, khi triển khai giai đoạn 2, đơn vị không làm gì liên quan đến mặt nước, rừng ngập mặn.
Đại diện chủ đầu tư giai đoạn 1 là Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã hoàn thành giai đoạn 1 và bàn giao công trình từ lâu. Do đó, trách nhiệm thanh thải phế liệu thuộc về TP Cẩm Phả và TP Hạ Long.
Phế thải ngổn ngang đã khiến cho quá trình hồi sinh rừng ngập mặn tại địa phận TP Hạ Long bị chậm lại
"Hiện nay, đơn vị đã có văn bản phản hồi cơ quan chức năng của tỉnh và 2 địa phương để làm rõ trách nhiệm thanh thải thuộc về đơn vị nào. Khi đã rõ trách nhiệm thì mới có biện pháp cụ thể được.
Riêng đối với phế thải tại cửa hầm xuyên núi trên địa bàn phường Quang Hanh đang được xem xét, nghiên cứu làm tuyến đường gom, nên chưa tính toán đến việc thanh thải", đại diện BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Đôn đốc khẩn trương thanh thải phế liệu
Trước phản ánh của người dân và của PV Báo Giao thông về thực trạng phế liệu ngổn ngang ven tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, ngày 24/5, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi UBND TP Cẩm Phả, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, Ban QLDA Đầu tư xây dựng TP Cẩm Phả để yêu cầu đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trên tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Quá trình thi công dự án đã tác động tiêu cực đến thảm rừng ngập mặn ven tuyến đường
Công văn chỉ rõ, dự án tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, qua theo dõi thực tế và phản ánh của dư luận cho thấy nhiều tuyến, đoạn trên tuyến đường xuất hiện tình trạng tập kết phế thải xây dựng, đất, đá có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường khu vực xung quanh; tại một số khu vực, rừng ngập mặn bị ảnh hưởng…
Để hoạt động của dự án không ảnh hưởng đến chất lượng nước biển ven bờ, rừng ngập mặn, Sở Tài nguyên và môi trường đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án khẩn trương phối hợp dọn vệ sinh môi trường mặt bằng tuyến, thực hiện ngay việc thanh thải các khu vực tập kết đất, đá, phế liệu xây dựng gây ảnh hưởng đến vỉa hè, khu vực mặt nước để tập kết đến nơi theo đúng quy hoạch, quy định; chủ động kiểm tra việc thông thủy các cầu, cống để đảm bảo lưu thông ổn định không ảnh hưởng đến rừng ngập mặn…
Theo đại diện đơn vị chuyên môn của Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Ninh, tất cả phế liệu liên quan đến quá trình thi công dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đều phải thanh thải
Đặc biệt, công văn của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: Các đơn vị phải phối hợp với Sở NN&PTNT để xem xét, nghiên cứu đề xuất các giải pháp phục hồi khu rừng ngập mặn đã, đang bị ảnh hưởng do quá trình thi công và vận hành các tuyến đường.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo đơn vị chức năng của Sở Tài nguyên và môi trường cho biết: Tất cả phế liệu trong quá trình thi công phải được thanh thải theo các quyết định liên quan đến bảo vệ môi trường mà cấp có thẩm quyền đã phê duyệt. Đơn vị cũng sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện thanh thải phế liệu thuộc dự án này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận