Y tế

Người dân vùng ĐBSCL gồng mình ứng phó dịch sốt xuất huyết bùng phát

03/11/2022, 12:49

Diễn biến thời tiết bất lợi được dự báo sẽ là nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao…

Thanh niên cũng tử vong vì SXH

Những ngày qua, triều cường liên tục dâng cao tại các địa phương ĐBSCL đã trở thành môi trường tốt cho lăng quăng, muỗi phát triển, dẫn đến dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cao.

img

Một khu vực điều trị SXH tại Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ.

Ghi nhận tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 2.880 ca mắc, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó 3 trường hợp đã tử vong, so với năm ngoái không có ca tử vong nào. Các ổ dịch tập trung nhiều nhất tại huyện Tam Bình, Bình Tân và TP Vĩnh Long với gần 400 ca.

Còn tại Cần Thơ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cho biết từ đầu năm đến nay, thành phố ghi ghi nhận hơn 4.800 ca mắc SXH, tăng hơn 4.000 ca so với cùng kỳ năm 2021, không có ca tử vong.

Tuy nhiên mới đây, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều đã có một em sinh viên 20 tuổi, tử vong vì bệnh SXH.

Ngành y tế Cần Thơ dự báo số ca mắc SXH trên địa bàn có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm, do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển…

Cẩn trọng với bệnh SXH

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long - Hồ Thị Thu Hằng nhận định, nguyên nhân dịch SXH bùng phát là do thời tiết còn mưa nhiều kết hợp với nước triều cường dâng cao liên tục trong nhiều ngày. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển.

Do đó, ngành y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường hệ thống giám sát bệnh tại các cơ sở y tế, thực hiện phân tầng điều trị, đảm bảo đủ thuốc, vật tư, hóa chất trong điều trị cũng như xử lý ổ dịch kịp thời. Không để dịch lây lan trong cộng đồng, giảm số ca chuyển nặng và tử vong.

img

Số ca mắc SXH ở trẻ em tăng cao.

Ông Huỳnh Thanh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm: "Người dân cần phải quan tâm phòng chống SXH cho gia đình của mình bằng biện pháp cụ thể.

Đó là phải thường xuyên kiểm tra những dụng cụ chưa nước xung quanh nhà, lật úp, đổ nước trong những dụng cụ có lăng quăng, không cho muỗi vằn vào đó sinh sản.

Muỗi vằn là muỗi hoạt động vào ban ngày. Nếu ngủ ban ngày cũng phải giăng mùng và cho con mặc áo dài tay để phòng chống muỗi đốt".

Còn theo bác sĩ Lê Phúc Hiển, Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cần Thơ, khi có ca bệnh SXH trên địa bàn, Trung tâm Y tế quận, huyện phải phân công cán bộ giám sát, kiểm tra các ca bệnh.

Khi có ổ dịch, cần phân công cán bộ giám sát, kiểm tra chỉ số côn trùng, BI (dụng cụ chứa nước có lăng quăng) và kỹ thuật pha, phun hóa chất diệt muỗi.

Trong công tác xử lý ổ dịch, phải loại bỏ lăng quăng triệt để, tuân thủ đúng thời gian và phun hóa chất đúng bán kính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.