Người giàu ngày càng giàu hơn
Một lý do khá dễ hiểu: Người tiêu dùng giàu có, được thúc đẩy bởi mức tăng mạnh về thu nhập, giá trị tài sản và tài sản thị trường chứng khoán, ngày càng chi tiêu mạnh tay và điều đó giúp thúc đẩy chi tiêu bán lẻ cũng như thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.
Xu hướng này, được ghi nhận bởi nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang, đại diện cho một sự thay đổi so với thời kỳ trước đại dịch. Và điều đó cho thấy rằng chi tiêu của người tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ, có thể giúp duy trì tăng trưởng lành mạnh trong năm nay và năm sau.
Ngược lại, người tiêu dùng có thu nhập thấp đã bị ảnh hưởng bởi giá thuê nhà, hàng tạp hóa và các nhu yếu phẩm khác cao hơn, khiến họ ít có khả năng chi tiêu cho các mặt hàng như điện tử, giải trí và ăn sáng ở nhà hàng... so với trước đại dịch. Mặc dù chi tiêu của họ đang bắt đầu phục hồi khi thu nhập điều chỉnh lạm phát tăng lên, nhưng có thể mất nhiều năm để tài chính của họ khôi phục như trước.
Sự bất bình đẳng giúp giải thích khoảng cách giữa tâm lý tiêu cực của người tiêu dùng và bằng chứng về một nền kinh tế Hoa Kỳ lành mạnh - động lực chính trong cuộc đua Tổng thống trong những tuần cuối cùng. Chỉ một phần dân số Mỹ đang thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng trong dữ liệu kinh tế của Chính phủ.
Các xu hướng cũng giúp minh họa cách nền kinh tế đã xoay sở để tiếp tục mở rộng với tốc độ vững chắc ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang, cho đến tháng trước, giữ lãi suất chính ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ. Mặc dù chi phí vay cao hơn nhiều cho thế chấp, khoản vay mua ô tô và thẻ tín dụng do lãi suất tăng của Fed, nhưng chi tiêu tiêu dùng điều chỉnh lạm phát đã tăng 3% vào năm 2022 và 2,5% vào năm 2023. Và nó đã tăng với tốc độ hàng năm là 2,8% trong quý II.
Hôm thứ Năm, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo doanh số bán lẻ tại Hoa Kỳ tăng 0,4% từ tháng 8 đến tháng 9, một mức tăng vững chắc cho thấy người mua sắm đủ tự tin vào nền kinh tế để tiếp tục chi tiêu thoải mái. Doanh số nhà hàng tăng 1%, dấu hiệu đáng khích lệ vì điều đó có nghĩa là nhiều người cảm thấy họ có thể chi tiêu cho bữa ăn bên ngoài. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta hiện ước tính nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ 3,4% trong quý III.
Các hộ gia đình có thu nhập cao tiếp tục tăng thêm nhờ mức tăng lớn về giá trị nhà ở và thị trường chứng khoán kể từ đại dịch. Giá trị nhà cửa đã tăng đều đặn, được thúc đẩy bởi nhu cầu cao và nguồn cung nhà cửa bất thường thấp. Tương tự, thị trường chứng khoán cũng liên tục đạt mức cao mới, với chỉ số S&P 500 tăng 22,5% trong năm nay. Khoảng 80% giá trị thị trường chứng khoán thuộc sở hữu của 10% người giàu nhất Hoa Kỳ.
"Điều này nói lên sức mạnh đang diễn ra của những người Mỹ giàu có, điều vẫn đang thúc đẩy tổng chi tiêu", ông Michael Pearce, phó giám đốc kinh tế Hoa Kỳ tại Oxford Economics cho biết.
Giá trị nhà ở và cổ phiếu đã tăng vọt, đặc biệt đối với 1/10 người giàu nhất nước Mỹ trong 4 năm qua. Giá trị vốn chủ sở hữu nhà của họ tăng 70% từ quý I/2020 đến quý II năm nay, theo dữ liệu của Fed - lên 17,6 nghìn tỷ đô la (Mỹ). Tài sản cổ phiếu và quỹ tương hỗ của họ tăng 86%, lên gần 37 nghìn tỷ đô la. Mặc dù lạm phát đã làm suy giảm một số lợi nhuận đó, nhưng chúng vẫn khá đáng kể.
Chờ đợi điều chỉnh lạm phát
Sự tăng trưởng mạnh mẽ về tài sản làm giảm nhu cầu của người Mỹ giàu có phải tiết kiệm từ tiền lương của họ trong khi vẫn tăng chi tiêu. Một báo cáo tuần trước của Fed cho thấy trước đại dịch, chi tiêu bán lẻ đã tăng lên cho tất cả các nhóm thu nhập với tốc độ gần như giống nhau. Nhưng khoảng 3 năm trước, xu hướng đã thay đổi: Người tiêu dùng có thu nhập trung bình và cao bắt đầu chi tiêu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với người có thu nhập thấp hơn.
Đến tháng 8/2024, chi tiêu hàng tiêu dùng bán lẻ điều chỉnh lạm phát cao hơn gần 17% so với tháng 1/2018 đối với các hộ gia đình có thu nhập cao, được định nghĩa là những người kiếm được hơn 100.000 đô la. Đối với các hộ gia đình có thu nhập trung bình - kiếm từ 60.000 đến 100.000 đô la - chi tiêu của họ tăng 13,3% trong cùng thời kỳ. Đối với những người kiếm được dưới 60.000 đô la, chi tiêu chỉ tăng 7,9% kể từ năm 2018. Nó thực sự giảm từ giữa năm 2021 đến giữa năm 2023.
"Các hộ gia đình có thu nhập trung bình và cao đã thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng tiêu dùng bán lẻ", nhà kinh tế của Fed, Sinem Hacioglu Hoke và 2 đồng nghiệp viết.
Trong số những người cảm thấy áp lực phải chi tiêu thận trọng là Helaine Rapkin, một giáo viên 69 tuổi đang mua sắm tuần trước tại một cửa hàng Kohl ở Ramsey, New Jersey, khi tìm kiếm giảm giá cho quần áo thể thao và quà tặng.
Ông Pearce, trong nghiên cứu độc lập, đã phát hiện ra rằng kể từ đại dịch, người Mỹ có thu nhập thấp đã phải cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng tùy ý. Lạm phát đã tăng mạnh tỷ lệ thu nhập của họ phải chi tiêu cho nhà ở và thực phẩm, khiến họ không còn nhiều tiền để mua sắm thứ khác.
Kết quả là, đối với 1/5 người Mỹ có thu nhập thấp nhất - những người kiếm được dưới 28.000 đô la - tỷ lệ chi tiêu của họ cho các mặt hàng tùy ý giảm 2,5 điểm phần trăm vào quý II năm nay so với năm 2019.
Một dấu hiệu của những khó khăn mà người tiêu dùng có thu nhập thấp phải đối mặt là tỷ lệ người vay đang chậm trả thẻ tín dụng, hoặc khoản vay mua ô tô đã tăng lên trong hai năm qua đến mức cao nhất trong khoảng một thập kỷ.
Bà Karen Dynan, một nhà kinh tế tại Harvard và một thành viên không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết việc thắt chặt chi tiêu đối với những người thu nhập thấp là thực tế, nhưng xu hướng như vậy có thể không làm trật bánh tổng thể nền kinh tế.
"Có những vết nứt ngày càng rộng trong chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đó chưa phải là một câu chuyện kinh tế rộng lớn hơn", bà Dynan nói.
Dynan và Pearce cho biết, họ lạc quan rằng người tiêu dùng nói chung - bao gồm cả những người có thu nhập thấp - sẽ tiếp tục chi tiêu trong những tháng tới, khi thu nhập điều chỉnh lạm phát tiếp tục tăng, khôi phục nhiều hơn sức mua của người Mỹ.
(Theo AP)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận