Chiều 11/10, trang web của công ty tổ chức đấu giá xuất hiện danh sách biển số xe ô tô dự kiến được đưa ra đấu giá trong tháng 10.
Đáng chú ý, 5 biển số đứng đầu danh sách công bố gồm: 51K-888.88; 30K-555.55; 98A-666.66; 36A-999.99 và 36C-444.44.
Theo ghi nhận của PV, hai tài sản 51K-888.88 và 30K-555.55 từng được đưa ra đấu giá trong ngày đầu tiên diễn ra các phiên đấu hôm 15/9. Thời điểm đó, 51K-888.88 trúng đấu giá với hơn 32 tỷ đồng, 30K-555.55 chốt ở mức hơn 14 tỷ đồng.
Ngoài ra, biển 99A-666.66 trúng với mức hơn 4 tỷ đồng (đã được chủ tài sản gắn vào xe), còn 36A-999.99 được người mua trả cao nhất là hơn 7 tỷ đồng.
Việc đưa ra đấu giá trở lại những tài sản nêu trên cho thấy các khách hàng từng trả hàng chục tỷ đồng hôm 15/9 đã không làm tròn nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Tại tọa đàm dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn ra chiều 9/10, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, sau gần một tháng triển khai đấu giá biển số ô tô, những người trúng đấu giá đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 100 tỷ đồng.
Còn theo Cục phó CSGT Lê Xuân Đức, với trường hợp khách hàng bỏ cọc, pháp lý đã quy định rõ về nghĩa vụ và trách nghiệm tại Nghị quyết 73 của Quốc hội; Nghị định 39 của Chính phủ và trong biên bản trúng đấu giá mà khách hàng đã ký.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cũng nhấn mạnh, người tham gia đấu giá và trúng đấu giá phải có ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với xã hội về việc này.
Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội và các quy định hiện hành nêu rõ, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá biển số ô tô phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả.
Ngoài ra, nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời hạn quy định thì kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe cũng được đưa ra đấu giá lại, còn số tiền đặt trước (40 triệu đồng) không được hoàn lại và sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận