Cấp quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ 1/1/2025, đã dành riêng Điều 4 để quy định về "Người sử dụng đất". Tại Điều 4, ngoài người sử dụng đất đã quy định trước đây, có bổ sung thêm đối tượng là "Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam" và "Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài".
Nhìn nhận về quy định mới này, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư bất động sản cho Việt kiều.
Đồng thời, nó là một trong những động lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ việt kiều.
Cũng theo ông Troy Griffiths, trước đây, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng, điều này dẫn đến những tranh chấp không đáng có. Quy định mới giải quyết tranh chấp này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư.
Dòng kiều hối hơn 190 tỷ USD
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Năm 2022, kiều hối đổ về kỷ lục là 19 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất từ nước ngoài.
Còn thống kê của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (năm 2016), khoảng 15 - 20% số tiền kiều hối được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Với số tiền này, ông Troy Griffith ước tính, Việt kiều sẽ mua 10.000 căn hộ mỗi năm.
"Theo quan sát, tôi thấy rất nhiều người Việt Nam làm việc và học tập chăm chỉ ở nước ngoài, giờ đây họ có vốn, mong muốn trở về quê hương. Họ mang về nguồn vốn, kỹ năng chuyên môn cao có thể chuyển giao cho Việt Nam.
Tôi lấy ví dụ như là New Turing Institute and VinAi (tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2018 với sứ mệnh xây dựng và phát triển cộng đồng tài năng AI tại Việt Nam), đội ngũ của họ gồm hơn 20 hoặc 30 tiến sĩ đã trở về Việt Nam, họ sử dụng kiến thức, tài sản trí tuệ của mình để giúp đất nước phát triển", Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam chia sẻ.
Ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, có khoảng 5,5 triệu người Việt ở nước ngoài và hơn 1 triệu thế hệ F2, F3 có bố, mẹ hoặc ông, bà là người Việt Nam. Trong số này, hơn 20% đến tuổi nghỉ hưu, đa số muốn trở về quê hương sinh sống, đầu tư, gắn bó với nguồn cội trong những năm cuối đời.
Theo khảo sát của Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM (HREC), khoảng 3 triệu Việt kiều có nhu cầu sở hữu bất động sản khi trở về Việt Nam sinh sống, trong đó đa số chọn TP.HCM.
Còn theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, lượng kiều hối chảy về thành phố này năm 2023 cao kỷ lục với 9,46 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2022. So với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố năm 2023, lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận