Cho phép thực tập sinh thay đổi chỗ làm trong cùng 1 lĩnh vực
Theo Kyodo News, dự luật cải cách chương trình thực tập sinh nước ngoài được đưa ra nhằm giữ chân lao động nhập cư lâu hơn, khắc phục tình trạng khan hiếm lao động vì dân số già hóa.
Chương trình mới sẽ được triển khai từ năm 2027, cho phép các thực tập sinh thay đổi chỗ làm trong cùng 1 lĩnh vực với một số điều kiện và được bồi dưỡng những kỹ năng cần thiết để chuyển đổi sang hệ thống lao động kỹ năng đặc định, thuận tiện hơn cho việc đăng ký cư trú lâu dài.
Thông tin về chương trình mới sau cuộc họp Nội các, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Ryuji Koizumi cho biết: "Chính phủ muốn thu hút các tài năng nước ngoài đến làm việc tại nước này trong thời gian dài, cải thiện các kỹ năng của họ và quan trọng là ngăn chặn nguy cơ xảy ra lạm dụng quyền của người lao động".
Theo Bộ trưởng Koizumi, dự luật mới đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa một mô hình xã hội toàn diện.
Chương trình Đào tạo thực tập sinh kỹ thuật hiện hành tại Nhật Bản đã được triển khai từ năm 1993 nhằm chuyển giao kỹ năng cho các quốc gia đang phát triển. Song, chương trình này vấp phải những luồng ý kiến phản đối, cho rằng gây nguy cơ biến tướng thành hoạt động nhập khẩu lao động giá rẻ.
Hơn nữa, nhiều thực tập sinh đã phải ra đi vì nhiều lý do như trả lương thấp, bị lạm dụng do chương trình có quy định ngặt nghèo cấm thực tập sinh chuyển chỗ làm.
Chương trình mới vạch rõ các mục tiêu như bồi dưỡng và đảm bảo nguồn tài năng nước ngoài, cho phép người lao động nước ngoài thay đổi các chỗ làm khác nhau trong cùng lĩnh vực nếu họ đã làm việc tại một chỗ trong hơn một năm và có kỹ năng làm việc đạt đến mức độ nhất định cũng như thông thạo tiếng Nhật.
Tuy nhiên, đề phòng khả năng nhiều lao động tìm cách chuyển từ các vùng nông thôn tới các thành phố để được trả lương cao hơn, chương trình mới cho phép chính phủ yêu cầu các lao động duy trì 1 chỗ làm trong tối đa 2 năm ở một số ngành cụ thể.
Bên cạnh đó, các tổ chức giám sát, hoạt động như các bên môi giới và công ty giám sát tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, sẽ được đổi tên thành "các tổ chức hỗ trợ giám sát" và phải chỉ định các bên kiểm toán độc lập.
Bên cạnh những ưu đãi mới, chương trình này cũng bao gồm quy định thu hồi quy chế định cư lâu dài với những người nước ngoài không trả thuế và phí bảo hiểm xã hội.
Điều mà hàng trăm thực tập sinh Việt Nam mong chờ
Việt Nam là quốc gia có số lượng thực tập sinh tại Nhật Bản rất cao. Trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hằng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại nước này.
Hiện có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản, chiếm khoảng 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại quốc gia này. Dự kiến hết năm 2023, số thực tập sinh, lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản là 75.000- 80.000 lao động, vượt con số 68.000 lao động của năm 2022.
Việc tạo điều kiện cho người lao động được thay đổi công việc trong cùng một lĩnh vực chính là một trong những điều mà hàng trăm nghìn thực tập sinh Việt Nam mong muốn từ lâu vì với quy định hiện nay những người trong chương trình thực tập sinh nước ngoài không thể chuyển sang nơi làm việc khác.
Bên cạnh đó, các thực tập sinh Việt Nam còn mong muốn cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, sinh hoạt, mức thu nhập của lao động, thực tập sinh Việt Nam như đang áp dụng đối với người lao động Nhật Bản cùng trình độ.
Đồng thời, miễn hoặc giảm thuế cư trú và thuế thu nhập đối với thực tập sinh Việt Nam; Có biện pháp xử lý nghiêm đối với chủ sử dụng lao động có hành vi bạo hành, không trả lương đối với lao động, thực tập sinh Việt Nam hoặc tiếp nhận lao động bất hợp pháp của Việt Nam…
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 có hơn 35.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Tính đến cuối tháng 8, bình quân mỗi tháng có hơn 7.000 lao động sang làm việc tại nước này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận