Người đi đường lo tai nạn, người buôn bán lo không có Tết
Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai được xem là hai tuyến phố kinh doanh, buôn bán sầm uất nhất TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Trên 2 tuyến đường này cũng có rất nhiều trụ sở các cơ quan, đơn vị cấp sở, ngành, nhiều trường học nên lưu lượng người và phương tiện qua lại rất lớn.
Thế nhưng, những ngày giữa tháng 1/2024 (cuối năm Quý Mão 2023), có mặt trên hai tuyến phố này, PV Báo Giao thông không khỏi lo lắng trước cảnh nhếch nhác, mất an toàn giao thông cho người dân. Nguyên do bắt nguồn từ việc thi công chỉnh trang vỉa hè hai bên đường phố.
Theo quan sát, tuyến đường Lê Hồng Phong dài khoảng hơn 2km, trong khi đó đường Nguyễn Thị Minh Khai dài hơn 1km. Các nhà thầu đã xới tung toàn bộ từ đầu đến cuối của cả hai tuyến đường để thi công trên vỉa hè.
Video cảnh nhếch nhác, tai nạn rình rập tại các công trình chỉnh trang TP Vinh.
Quá trình thi công, nhà thầu đào xới vỉa hè lên nhưng không được hốt dọn ngay nên rác thải xây dựng đổ tràn lan, ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội trông rất nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.
Nhiều vị trí, các nhà thầu thi công ở cả hai bên đối diện nhau khiến giao thông bị ùn ứ, ách tắc. Chưa hết, nhiều vị trí nhà thầu đổ, tập kết đất cát, gạch đá, cống thoát nước kích thước lớn chềnh ềnh trên vỉa hè, chắn ngay trước cửa hàng kinh doanh của người dân.
Anh Nguyễn Văn Quân (ở phường Hà Huy Tập) cho biết: Hơn tháng nay, trừ khi có việc trên hai tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong tôi mới đi vào. Còn không, tôi đều tìm đường khác để đi, nhà thầu thi công ngày nắng thì bụi, mưa thì lầy lội; rồi kẹt xe, tắc đường, tai nạn rình rập, rất nguy hiểm.
Một nữ chủ cửa hàng kinh doanh lớn trên đường Lê Hồng Phong bức xúc: Cửa hàng của chúng tôi trước đây rất đông khách. Thế nhưng hơn 1 tháng trở lại đây, doanh thu bị sụt giảm đáng kể. Nguyên nhân là do làm đường bụi bặm, dơ bẩn với không có chỗ đậu xe nên khách hàng không muốn ghé vào. Ngoài ra, việc đào xới, thi công dàn trải, kể cả vào khung giờ cao điểm khiến giao thông luôn trong tình trạng “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT.
Cho PV xem những tấm hình xe ô tô vấp xuống hố công trình, một chủ kinh doanh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai cho biết thêm: Đến nay là đã khoảng hơn 1 tháng, vỉa hè tuyến đường bị xới tung lên. Sắp đến Tết là dịp cao điểm kinh doanh, buôn bán, nhưng tình trạng như thế này, chắc năm nay chúng tôi không có Tết.
Một lãnh đạo phường Hưng Bình, TP Vinh cũng chia sẻ: Theo tôi, các nhà thầu nên làm theo kiểu cuốn chiếu từng đoạn ngắn. Làm đến đâu, xong đến đó thì mới hợp lý hơn bởi đây là tuyến đường trọng điểm của thành phố.
Thừa nhận sai, nhưng kêu khó
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hồng Vinh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An từng phê bình: Trên tuyến phố Lê Hồng Phong, cả toàn bộ vỉa hè, hệ thống cống rãnh đều thi công. Các phương tiện, người dân đi lại rất bế tắc, nguy hiểm.
Biện pháp thi công như thế là không phù hợp, các cơ quan, đơn vị vẫn phải hoạt động, người dân còn phải kinh doanh buôn bán mà nhà thầu thi công dàn trải cả tuyến đường mấy km. TP Vinh là đô thị lớn, là trung tâm của cả tỉnh, cần thi công đến đâu dứt điểm đến đó.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cũng lưu ý TP Vinh: Cần tập trung làm 3 ca, 3 kíp đẩy nhanh tiến độ; vật liệu phải có bãi tập kết, không thể dùng vỉa hè, đường phố để tập kết vật liệu.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Ngọc Phong, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP Vinh cho biết: Một dự án nói trên không dưới 5 đơn vị phối hợp với nhau. Đặc biệt là tuyến đường Lê Hồng Phong, còn đường Nguyễn Thị Minh Khai thi công trên nền hiện trạng, không mở rộng mặt đường nên có đỡ hơn.
Tuyến đường Lê Hồng Phong mở rộng mặt đường ra mỗi bên 2m, đồng nghĩa phải lùi toàn bộ hệ thống như điện, cáp, nước, cây xanh… vào phía bên trong, đồng thời kết hợp hạ ngầm. Việc thi công này do Ban triển khai, nhưng phải phối hợp, và có sự giám sát các đơn vị liên quan. Ví dụ như: cáp thì có các bên như quân đội, viễn thông, công an, bưu điện… để tập hợp được một lúc rất khó, nhiều khi phải chờ.
Ngoài ra, việc thi công phải hết sức cẩn thận, trước khi làm phải thăm dò để tránh hư hỏng phải đền bù tài sản cho họ. Đơn cử như ngành điện, điện lực thành phố rất phối hợp, hỗ trợ, nhưng trục đường đang làm đã thi công rất lâu đời, hệ thống cảnh báo mất, vị trí, cao độ… những người quản lý sau này không nắm chính xác hết nên vẫn bị nổ cáp điện.
Cũng theo ông Phong, lý do làm dàn trải là vì tính chất của vỉa hè là mục nào cũng phải đòi hỏi liên thông. Đã đặt được một đoạn thì phải thi công để làm đoạn tiếp theo, để còn sử dụng. Như với cáp, bó cáp rất to, cứng, phải đặt cùng một lúc, không thể ngắt từng đoạn.
Về việc để vật liệu trên vỉa hè, ông Phong cho biết, Ban cũng đã tiến hành khảo sát để tìm bãi tập kết nhưng trong thành phố không có. Chưa kể, theo quy định các tuyến đường trên đều cấm xe tải trọng lớn ra vào ban ngày.
“Hiện chúng tôi đang chỉ đạo nhà thầu huy động tổng lực, thi công cả ban đêm để đẩy nhanh tiến độ. Mục tiêu, tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai sẽ cơ bản xong trước tết Âm lịch; đường Lê Hồng Phong sẽ cơ bản xong đoạn từ công an tỉnh đến giao với đường Nguyễn Đức Cảnh và đổ xong bê tông đoạn còn lại để người dân đón Tết”, ông Phong cho biết thêm.
Trong khi đó, tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai tổng chiều dài gần 1,4km, trong đó có 2 đoạn. Tuyến đường này sẽ được hạ ngầm đường dây trung thế, hạ thế toàn tuyến, cải tạo hệ thống thông tin liên lạc, mương thoát nước, trồng cây xanh...
Một số hình ảnh trên hai tuyến đường được PV Báo Giao thông ghi lại vào ngày 18/1:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận