Hạ tầng

Những công trình “sống chung” với dịch bệnh, quyết cán đích đúng tiến độ

image

Không vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành mà các công trình ở Cần Thơ, Sóc Trăng đóng băng. Tiến độ thi công và phòng chống dịch vẫn đảm bảo...

Gói thầu số 2 cầu Vàm Xáng thông xe kỹ thuật vào 30/4/2022

"Từ ngày 30/4 đến nay, toàn bộ khoảng 40 anh em thi công gói thầu 2 (đường dẫn cầu Vàm Xáng nối từ cầu đến QL61C) phải ăn ngủ tại công trình để đảm bảo nguyên tắc 5K", anh Nguyễn Văn Đồng, Chỉ huy trưởng gói thầu số 2 (Công ty 118, Hà Nội) của dự án cầu Vàm Xáng, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết.

img

Gói thầu số 2 dự án cầu Vàm Xáng vẫn giữ đủ số nhân công, bảo đảm phòng chống dịch để công trình không trễ tiến độ.

Tại chân cầu đang định hình, khu lán trại tạm lợp lá được dựng lên. Khu nhà ọp ẹp hơn cả những khu nhà trọ bình dân, nhưng để đảm bảo tiến độ công trình, anh em vẫn ráng chịu đựng, cực khổ cũng chẳng là bao so với những công an, bộ đội, y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

"Lúc này chỉ huy công trình đảm bảo công việc cho anh em, không thất nghiệp là quý rồi", anh Trần Văn Ba, lái máy cho công trình nói.

Hàng ngày, đơn vị thi công cử 1 người đã tiêm vaccine đi chợ, về tự nấu ăn. Tất cả công nhân, kỹ sư hạn chế tiếp xúc, mỗi người cứ lo công việc đã giao, ăn ở tại chỗ. Anh em công nhân, kỹ sư đều đã tiêm vaccine mũi 1, test Covid-19 2 lần và chuẩn bị test lần 3, nên về công tác phòng chống dịch hoàn toàn đảm bảo.

Hiện tại, theo anh Đồng, các công nhân đang tiến hành thi công mặt cầu, nhịp dẫn trên tuyến đường dẫn... "Theo kế hoạch, ngày 30/4/2022 tuyến đường dẫn này sẽ thông xe kỹ thuật", anh Đồng nói.

img

Anh Đồng ngồi trước dãy nhà tập thể ọp ẹp.

Khó khăn hiện tại, theo anh Đồng là do mùa dịch vận chuyển khó khăn, vật liệu xây dựng các loại đều tăng giá. Sắt tăng từ 13.500 đồng/kg lên 18.200 đồng/kg; xi măng tăng 300 đồng/kg, cát đá tăng khoảng 50.000 đồng/m3...

"Rất mong chủ đầu tư xem xét hỗ trợ thi công để bảo đảm công trình hoàn thành đúng kế hoạch", anh Đồng đề xuất.

Dự án cầu Vàm Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến Quốc lộ 61C là công trình giao thông cấp II (thuộc nhóm B), có tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng từ nguốn vốn ngân sách TP, thời gian thực hiện 2019-2023.

img

Các công nhân đang thi công trụ cầu Vàm Xáng. Ảnh: Thành Nhân

Công trình có tổng chiều dài tuyến hơn 3,29km, với 3 nhánh tuyến; trong đó, nhánh chính dài hơn 2,45km (từ giao với đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài) bắc qua sông Cần Thơ nối vào Quốc lộ 61C), trên tuyến có cầu Vàm Xáng, cầu Xà No Cạn, cầu Hòa Hảo và 3 cống.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Cầu Vàm Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến Quốc lộ 61C là công trình quan trọng của TP. Công trình kết nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường tỉnh 932 và Quốc lộ 61C, tạo giao thông liên hoàn cho khu vực, thúc đẩy huyện Phong Ðiền và TP Cần Thơ phát triển.

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư - Xây dựng TP Cần Thơ, công trình cầu Vàm Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến quốc lộ 61C có 2 gói thầu thi công. Theo báo cáo của Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng TP Cần Thơ thì tính đến trước khi giãn cách xã hội, gói thầu thi công xây lắp số 1 tiến độ thực hiện đã được 477/720 ngày, đạt 66,25% tiến độ hợp đồng. Còn gói thầu thi công xây lắp số 2 đạt được 57,92% tiến độ hợp đồng…

Nhà máy điện gió số 7 ở Sóc Trăng sẵn sàng hòa lưới điện Quốc gia

Công trường Nhà máy Điện gió số 7 của Công ty CP Năng lượng Sóc Trăng (chủ đầu tư) là một trong những điểm nóng của dịch bệnh Covid-19 ở thị xã Vĩnh Châu. Từ đầu tháng 7 đến nay tỉnh Sóc Trăng đã có 892 ca nhiễm với nhiều chùm ca nhiễm phức tạp, nguy cơ làm bùng phát dịch trên diện rộng. Tiêng thị xã Vĩnh Châu có 259 ca.

Ông Nguyễn Bá Tiến, Phó tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng Sóc Trăng, cho biết: “Chúng tôi triển khai phương án “3 tại chỗ”, bảo đảm tiến độ sản xuất đang trong giai đoạn cao điểm. Công trường dự án nằm giữa tâm dịch, được chuẩn bị phương án ứng phó tốt, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch”.

img

Các tua-bin ở Nhà máy Điện gió số 7. Ảnh: Vũ Phong

Theo ông Tiến, công trường Nhà máy Điện gió số 7 có hàng trăm cán bộ, công nhân gồm lao động địa phương, lao động ngoại tỉnh và chuyên gia nước ngoài, việc triển khai phương án phòng dịch tương đối phức tạp. Ngay khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại TP.HCM và bắt đầu lan đến Sóc Trăng, công ty đã lên phương án và nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền và ngành y tế địa phương, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống dịch.

Phương án tối ưu được triển khai ngay là thực hiện “3 tại chỗ” từ ngày 17/7/2021 theo sự hướng dẫn cụ thể, kịp thời của địa phương, đặt ra mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa thi công xây dựng theo đúng tiến độ đã cam kết, đảm bảo môi trường làm việc cho người lao động. Toàn thể người lao động thuộc nhân sự của chủ đầu tư và các nhà thầu được yêu cầu thực hiện nghiêm túc phương án theo phương châm “3 tại chỗ” gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ.

Công trường phân nhóm theo đặc thù công việc, các nhóm khi thi công phải thực hiện nguyên tắc 5K thường xuyên. Hằng ngày, sẽ có đơn vị cung cấp thực phẩm để tự nấu ăn. Nhân viên giao thực phẩm và nhân viên thuộc dự án không được phép tiếp xúc nhau, việc giao nhận được thực hiện tuân thủ nguyên tắc 5K. Tất cả công nhân viên được cung cấp các vật dụng thiết yếu, sắp xếp chỗ sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, ngủ nghỉ theo nhóm, hạn chế tiếp xúc giữa các nhóm với nhau.

Những khó khăn vướng mắc do thực hiện giãn cách, công ty luôn chủ động đề xuất phương án tháo gỡ. Như vừa qua một đội ngũ chuyên gia thí nghiệm mắc kẹt tại phường 2, thị xã Vĩnh Châu, công ty đã đề xuất phương án cách ly tại chỗ, xe của chuyên gia được di chuyển không dừng đến địa điểm công trường dự án.

“Tính đến thời điểm cuối tháng 8/2021, Nhà máy Điện gió số 7, tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thiện các công tác xây dựng, hoàn thành lắp đặt hệ thống tuabin, hoàn thành phần TBA, cầu dẫn và sẵn sàng cho nghiệm thu đóng điện. Sau khi hoàn thành thí nghiệm kiểm định, đảm bảo đủ điều kiện sẽ đóng điện hòa lưới điện quốc gia theo đúng kế hoạch triển khai dự án”, ông Tiến chia sẻ thêm.

img

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiểm tra tiến độ thi công. Ảnh: Vũ Phong

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nhấn mạnh: “Dù nằm ngay trong tâm dịch nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của địa phương và sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của lãnh đạo công ty trong thực hiện công tác phòng, chống dịch với phương châm “3 tại chỗ”, đến nay, tiến độ thi công công trình Nhà máy Điện gió số 7 vẫn đảm bảo đúng theo kế hoạch, sẵn sàng hòa lưới điện quốc gia.

Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của công ty cũng như chủ trương “3 tại chỗ” trong sản xuất. Dịch bệnh dù phức tạp nhưng không vì thế mà sản xuất bị đình trệ. Với mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, thực tế trên công trường Nhà máy điện gió Sóc Trăng và nhiều doanh nghiệp khác đã khẳng định tính hiệu quả của mô hình này”.

Dự án điện gió này có quy mô lớn của tỉnh Sóc Trăng, với tổng công suất thiết kế 120MW, xây dựng với 2 giai đoạn, trên tổng diện tích nghiên cứu khảo sát 3.100 ha. Trong đó giai đoạn 1 công suất 30MW với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng và giai đoạn 2 công suất 90MW với tổng mức đầu tư gần 4.200 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành vào quý 3/2021, ước tính đạt sản lượng điện khoảng 108GWh mỗi năm. Sản lượng điện giai đoạn 2 ước tính 312 GWh/năm…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.