Quản lý

Những dự án giao thông cấp bách chờ chủ trương của TP.HCM

24/10/2023, 08:42

Xây cầu, đường Nguyễn Khoái, Vành đai 2, mở rộng Đỗ Xuân Hợp là 3 trong hàng loạt dự án hạ tầng cấp bách nhưng nhiều năm qua TP.HCM chưa thể triển khai vì thiếu vốn.

Sở GTVT TP.HCM vừa có công văn khẩn đề xuất UBND TP.HCM trình HĐND TP xem xét thông qua chủ trương 10 dự án giao thông trên địa bàn. Trong số đó có những công trình cấp bách được TP ưu tiên như xây cầu, đường Nguyễn Khoái; Vành đai 2; Mở rộng đường Nguyễn Thị Định; Mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp...

Dự án cầu, đường Nguyễn Khoái (quận 4 - quận 7) là một trong hàng loạt dự án hạ tầng cấp bách nhưng suốt nhiều năm TP.HCM chưa thể triển khai do thiếu vốn. Hiện, dự án được Sở GTVT đề xuất Sở Kế hoạch - Đầu tư cân đối bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Khi hoàn thành, công trình được kỳ vọng giảm áp lực cho cầu Kênh Tẻ và các trục đường từ khu nam về trung tâm TP.HCM.

Những dự án giao thông cấp bách chờ xin chủ trương của TP.HCM - Ảnh 1.

Phối cảnh cầu, đường Nguyễn Khoái kết nối quận 7 sang quận 4 và trung tâm quận 1 (Đồ họa: Sở GTVT TP.HCM).

Trước đó, cầu, đường Nguyễn Khoái được HĐND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 1.250 tỷ đồng, sau tăng lên hơn 2.800 tỷ đồng và hiện nay là 3.725 tỷ đồng do điều chỉnh quy mô. Cầu dài 1km, điểm đầu từ đường D1 khu dân cư Him Lam (quận 7), điểm cuối là đường Bến Vân Đồn (quận 4).

Dự án Vành đai 2 (đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng) dài 2,8km cũng được Sở GTVT hoàn tất hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tổng vốn 4.543 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.956 tỷ đồng).

Vành đai 2 dài 64km, quy mô 6-10 làn xe. Đến nay, tuyến đường đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác khoảng 50km, còn 14km chưa khép kín, chia làm bốn đoạn.

Những dự án giao thông cấp bách chờ xin chủ trương của TP.HCM - Ảnh 2.

Đoạn Vành đai 2 TP.HCM xây dang dở, ngừng xây dựng nhiều năm (Ảnh: Chí Hùng).

Trong số 4 đoạn, hiện chỉ có đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa) dài 2,7km đã được triển khai từ năm 2017 theo hình thức BT, tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án dừng thi công từ tháng 3/2020 khi mới đạt 44% khối lượng. Lý do vướng giải phóng mặt bằng và chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án. Dự kiến, đoạn này sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng vào năm 2024 và hoàn thành thi công năm 2025.

Ngoài đoạn 2 đang chờ UBND TP trình HĐND TP, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) dài 3,5km đã được Sở GTVT TP cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tổng mức đầu tư 9.328 tỷ đồng. Dự kiến, dự án khởi công vào năm 2025 và hoàn thành cuối năm 2026.

Đoạn 4 dài 5,3km có tổng mức đầu tư 16.417 tỷ đồng. Hiện, thành phố chưa dự kiến cân đối nguồn vốn nên chưa có cơ sở để trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) có tổng vốn đầu tư hơn 868 tỷ đồng. Đây là một trong 17 dự án được đề xuất tạm dừng nằm trên địa bàn TP Thủ Đức tại Kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa X hồi năm 2022. Đỗ Xuân Hợp cũng thuộc 5 tuyến đường trọng điểm được quy hoạch mở rộng của TP Thủ Đức nhưng chưa thể triển khai nhiều năm qua.

Những dự án giao thông cấp bách chờ xin chủ trương của TP.HCM - Ảnh 3.

Hiện, bề rộng đường Đỗ Xuân Hợp chỉ khoảng 6-7m (Ảnh: Chí Hùng).

Theo kế hoạch, đoạn đường này sẽ được nâng cấp, mở rộng lên 30m với 6 làn xe lưu thông. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thiện, phải ngừng thi công do thiếu mặt bằng. Tuyến đường thường xảy ra ùn tắc do mặt đường hẹp (7-12m) trong khi nhiều xe tải, xe container lưu thông.

Một dự án quan trọng khác được ngành giao thông đề xuất là nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy). Tuyến đường dài 2,1km, khi hoàn thành sẽ được mở rộng bề ngang lên 30m, kết nối nút giao An Phú và cảng Cát Lái. Tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 2.075 tỷ đồng.

Bên cạnh các dự án trên, Sở GTVT TP cũng tham mưu UBND TP trình HĐND TP xem xét thông qua dự án nâng cấp mở rộng đường Vĩnh Lộc (Hương lộ 80, từ tỉnh lộ 10 huyện Bình Chánh đến ranh huyện Hóc Môn), tổng vốn hơn 4.344 tỷ đồng; Đầu tư bổ sung hệ thống camera giám sát trên địa bàn (tổng vốn 60 tỷ đồng); Dự án phòng chống sạt lở bờ sông, kênh rạch tại TP Thủ Đức và huyện Nhà Bè (tổng vốn 150 tỷ đồng); Lắp đặt thang máy tại cầu vượt bộ hành cho các nhà ga metro trên cao (vốn hơn 48.5 tỷ đồng)...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.