Xã hội

Những người mưu sinh nơi non thiêng Yên Tử

27/02/2024, 05:43

Mỗi độ Xuân về, du khách, phật tử nườm nượp hành hương về non thiêng Yên Tử, thì cũng là lúc những người dân nơi đây có cơ hội kiếm thu nhập.

Gian nan trèo đèo, vượt thác hái măng rừng

Núi Yên Tử, TP Uông Bí (Quảng Ninh) là chốn linh thiêng thu hút hàng chục vạn du khách, phật tử về hành hương, lễ phật hàng năm. Nơi đây được bao bọc bởi bạt ngàn rừng trúc, nên người xưa đặt tên là Trúc Lâm Yên Tử.

Và từ tháng giêng đến tháng 3 hằng năm là mùa măng trúc mọc bạt ngàn, cũng là lúc những người dân tộc thiểu số sinh sống quanh chân núi Yên Tử lên rừng mưu sinh.

Những người mưu sinh nơi non thiêng Yên Tử- Ảnh 1.

Măng rừng Yên Tử đã giúp cho hàng trăm lao động tự do ở địa phương có thu nhập khá cao.

Chị Đặng Thị Hải, người dân tộc Dao ở thôn Khe Sú 1, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí chia sẻ, để kịp lấy măng bán cho khách trong ngày, thông thường, chị và những người khác phải dậy từ khoảng 1h sáng, leo bộ lên những cánh rừng trúc để hái măng.

"Nếu may mắn, mỗi ngày tôi cũng kiếm được từ 350-400 nghìn đồng từ việc bán măng rừng", chị Hải nói và chia sẻ thêm, giá măng khu vực chùa Đồng là 70 nghìn đồng/kg loại chưa bóc vỏ. Còn loại đã bóc vỏ thì giá 100 nghìn đồng/kg. Càng đi xuống phía chân núi thì giá măng lại càng cao hơn.

Những người mưu sinh nơi non thiêng Yên Tử- Ảnh 2.

Một phụ nữ người dân tộc Dao bán măng ở lối lên chùa Đồng.

"Nghe thì đơn giản vậy thôi, nhưng rừng Yên Tử có nhiều thác ghềnh. Ở khu vực thấp thì không có nhiều măng, nên phải lên những dãy núi cao, qua bao vực sâu, thác ghềnh mới tới được địa điểm có nhiều măng để lấy. Đêm hôm lọ mọ, chúng tôi phải đối diện với rắn, rết, côn trùng độc…", chị Hải kể.

Chị Trương Thị Lê, người dân tộc Dao ở xã Thượng Yên Công làm nông nghiệp còn chồng làm công nhân khai thác than. Nhà chị Lê có 3 con nhỏ.

Do không có việc làm, chủ yếu dựa vào thu nhập của chồng, nên cứ vào mùa măng rừng, cũng chính là lễ hội Xuân Yên Tử là cơ hội rất lớn trong năm để chị Lê có thêm thu nhập.

Những người mưu sinh nơi non thiêng Yên Tử- Ảnh 3.

Để kiếm được gùi măng như này, người dân phải dậy từ nửa đêm, băng qua bao núi cao, vực sâu nơi non thiêng Yên Tử mới có được.

"Dù rất vất vả, nhưng mỗi tháng vào mùa măng, nếu đi rừng đều, em cũng kiếm được gần chục triệu đồng. Đây là khoản thu nhập rất lớn đối với nhà em", chị Lê kể.

Theo chị Lê, rừng Yên Tử có nhiều loại măng gồm khổng, trúc, giàng, lứa... Măng khổng thì có hai loại là khổng ngọt và khổng đắng. Loại ăn không đắng là vỏ không có nhiều lông.

Những người mưu sinh nơi non thiêng Yên Tử- Ảnh 4.

Chị Đặng Thị Mong hướng dẫn cho PV Báo Giao thông cách phân biệt măng trúc ngọt với măng trúc đắng.

Anh Chương Thành Nam, chủ quán bán hàng ăn ở lối vào Yên Tử xác nhận: "Măng trúc Yên Tử ngon có tiếng, chế biến được nhiều món. Nếu măng đã bóc vỏ ra thì chỉ người có kinh nghiệm lắm mới phân biệt được đâu là măng đắng, đâu là măng ngọt".

Những dấu chân góp phần bảo vệ non thiêng Yên Tử

Yên Tử không chỉ là vùng đất nổi tiếng linh thiêng, mà còn là rừng già có hệ thực vật vô cùng phong phú, thu hút du khách bởi môi trường sinh thái trong lành, đa dạng.

Yên Tử cũng đã và đang được bảo vệ, phát huy giá trị một cách bền vững như hiện nay là có sự góp phần không nhỏ của những người thợ rừng, trong đó có những người hái măng.

Những người mưu sinh nơi non thiêng Yên Tử- Ảnh 5.

Dấu chân của những người lấy măng đi hầu khắp các cánh rừng ở Yên Tử, nên mọi hành vi, nguy cơ xâm hại rừng đều được bà con cảnh giác, báo cho lực lượng chức năng.

Ông Trương Văn Đôn (70 tuổi ở thôn Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí), người có nhiều năm mưu sinh từ việc khai thác lâm sản phụ trong rừng Yên Tử nhớ lại, mấy chục năm trước, tình trạng khai thác than trái phép, đốt phá rừng để làm nương; săn bắn thú rừng trái phép... vẫn diễn ra ở Yên Tử.

"Từ khi cơ quan chức năng phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ tài nguyên, bảo vệ rừng thiêng cho di tích, bà con trong xã lên rừng chỉ hái măng, lấy cây thuốc thôi. Hễ ai có hành động xâm hại đều bị tố giác ngay", ông Đôn nói.

Những người mưu sinh nơi non thiêng Yên Tử- Ảnh 6.

Măng rừng được chế biến tại nhà hàng của anh Trương Văn Nam tại xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí.

Còn chị Trương Thị Hà, ở thôn Năm Mẫu, xã Thượng Yên Công cho biết: "Chỉ tính riêng việc lấy măng rừng đã làm cho cuộc sống bao gia đình bớt khó khăn hơn. Rừng cho chúng tôi cuộc sống thì chúng tôi phải trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng".

Có lần đi rừng, thấy một nhóm người "nhăm nhe" mấy cây gỗ quý ở khu vực sườn đông của núi Yên Tử, những người đi lấy măng bảo nhau mấy ngày liền cứ quanh quẩn lấy thuốc ở quanh đó để cảnh giới. Thấy dân cảnh giác, nhóm người lạ đành bỏ đi.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, lực lượng chuyên trách thì ít, rừng Yên Tử lại rộng mênh mông, tiếp giáp với nhiều điểm dân cư.

Chính vì thế, nếu không có sự hỗ trợ của người dân, nhất là những người thường xuyên sống dựa vào khai thác lâm sản phụ thì nguy cơ rừng bị xâm hại sẽ thường trực hiện hữu...

"Bằng sự hỗ trợ của người dân đã giúp cho lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ xâm hại hệ động, thực vật của Yên Tử. Bà con đang góp phần quan trọng để rừng thiêng Yên Tử ngày càng xanh", ông Dũng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.