Vận tải

Những tấm ảnh biết nói

26/11/2019, 10:54

Cả đoàn tàu dài cả chục toa xe khách hiện đại, được báo chí gắn mác “5 sao” nhưng mỗi toa lèo tèo chỉ khoảng chục khách.

img
Nhiều tàu của đường sắt vắng khách

Những ngày này, trên group mạng xã hội của những người yêu thích đường sắt, nhiều Facebooker chia sẻ những tấm ảnh ghi lại những toa tàu trên tuyến Bắc - Nam vắng khách đến nao lòng.

Cả đoàn tàu dài cả chục toa xe khách hiện đại, được báo chí gắn mác “5 sao” nhưng mỗi toa lèo tèo chỉ khoảng chục khách. Chỉ trừ những toa xe thuê nguyên toa phục vụ khách du lịch và một số cung chặng ngắn có lượng khách tương đối vào dịp cuối tuần, nhất là toa ghế ngồi nhưng cũng chẳng thể lấp đầy toa.

Thành viên có nick “Thi Quy Hoang” cho biết, vừa có chuyến đi và về bằng tàu giữa Sài Gòn - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ: “Lúc ra, tôi đi tàu SNT2. Trong khoang bốn giường của tôi, chỉ có tôi và một hành khách xuống tàu ở ga Tháp Chàm. Còn mấy khoang khác cũng lác đác một khoang hai, ba người. Khi trở vào, tôi đi chuyến tàu SE5 và khoang 4 giường của tôi cũng chỉ có tôi và một chị nữa”.

Hành khách này cũng cho biết, chị lên từ ga Vinh và trước đó trong phòng cũng có hai người, nhưng đã xuống dọc đường. Và trong toa số 8 lúc đó có mấy người khách Tây và vài người khách Việt. Cả hai chuyến tàu đều rất vắng khách.

Trước chia sẻ này của thành viên Thi Quy Hoang, một số người cho rằng, đó là do đang đợt vận tải thấp điểm vì hè đã qua, Tết thì chưa đến. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đó là do giá vé tàu còn cao so với ô tô khách, thậm chí cả hàng không giá rẻ.

“Không biết ngành Đường sắt lấy căn cứ như thế nào mà tính giá vé tàu gần như ngang bằng với máy bay. Còn nói là giảm giá thì vé tàu vẫn còn cao và cách giảm vẫn còn phức tạp”, hành khách Thi Quy Hoang nhận xét.

Còn thành viên Văn Quyền phân tích, đường sắt thua đường bộ ở tính linh động và mức độ tiện lợi. Ví dụ như các nhà xe sẽ đón khách tận cửa; Ngày thường giá vé xe khách giường nằm Hà Tĩnh - Sài Gòn chỉ tầm 600 - 800 nghìn đồng/vé, trong khi đó nếu đi bằng tàu mất khoảng 1,4 triệu đồng/vé. Hơn nữa, tại một số điểm trả khách, một số nhà xe có xe trung chuyển. Thành ra, khách chuyển sang đi đường bộ rất nhiều.

“Làm kinh doanh là phải tính lợi nhuận, mà lợi nhuận phải dựa trên tổng thể hài hòa mọi mặt, hạ giá xuống, cố gắng đừng chậm tàu, thái độ phục vụ tốt, cấp vé dễ dàng, tôi tin rằng lượng người đi tàu sẽ khá hơn”, một thành viên khác gợi ý.

Bài toán giá vé và chi phí, lợi nhuận luôn làm đau đầu các nhà kinh doanh vận tải đường sắt, không dễ như người ngoài nhìn vào. Dẫu vậy, đường sắt cũng nên xem lại bài toán giá vé, nếu không muốn ngày càng mất khách về tay đường bộ, hàng không.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.