Xã hội

Những tình huống cảm động xen lẫn éo le khi cấp cứu F0 tại nhà

24/08/2021, 06:39
image

Khi nhìn thấy ánh mắt của bệnh nhân F0 đang yếu, các bác sĩ dù là người mạnh mẽ cũng không cầm được nước mắt.

Các tổ y tế cộng đồng ở quận 7, TP.HCM đã hoạt động rất tích cực, góp phần hỗ trợ điều trị cho nhiều bệnh nhân F0 tại nhà và chuyển cấp cứu nhiều bệnh nhân kịp thời đến bệnh viện.

Những tình huống F0 thương tâm

Chúng tôi tranh thủ trao đổi bác sĩ Hồ Anh Tài (tổ y tế cộng đồng phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM) vào giờ gần trưa, hi vọng các bác sĩ có thời gian trả lời phỏng vấn. Rất may là bác sĩ chưa phải đi cấp cứu bệnh nhân.

“Hai tháng nay quần quật 24/24h với các hoạt động cấp cứu F0 nên đuối quá, sáng nay xin nghỉ một tí rồi chiều chiến đấu tiếp”, bác sĩ Tài nói.

img

Những trường hợp bệnh nhân F0 chuyển biến nặng, tổ y tế cộng đồng phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM phải đưa đi cấp cứu trong đêm khuya.

Kể về những câu chuyện trong quá trình cấp cứu bệnh nhân F0 những ngày qua, bác sĩ Tài cho biết có những trường hợp khi xuống thấy hoàn cảnh của bệnh nhân, nhóm bác sĩ không cầm được nước mắt.

Hôm rồi nhận được điện thoại người dân báo có trường hợp hàng xóm bị nhiễm Covid-19 nặng cần cấp cứu, tổ y tế cộng đồng của bác sĩ Tài đến. Khi đến nơi thì thấy cụ già trong một căn nhà nhỏ neo đơn đang nằm một mình.

"Nhìn thấy ánh mắt của cụ, hơi thở thoi thóp mà mình không cầm được nước mắt. Nói thì phi khoa học y khoa, nhưng lúc đó muốn chạy đến ôm choàng lấy họ, bởi qua ánh mắt mình thấy họ gần như tuyệt vọng”, bác sĩ Tài kể và cho biết sau một vài giây như bừng tỉnh, tổ y tế lập tức triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đo nồng độ SpO2 rồi cho thở oxy. May mắn là với những thao tác nghiệp vụ nhanh đã kịp thời đưa bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch.

Bác sĩ Phạm Cao Thành đang làm việc tại tổ y tế cộng đồng của phường Phú Mỹ, quận 7 kể: Có hôm tới cấp cứu cho một gia đình có 2 ca F0. Trong đó người cha đã 84 tuổi và con gái 64 tuổi. Cả hai cha con sống trong một căn nhà cấp 4 chưa tới 20 mét vuông.

Người con gái yếu hơn rất nhiều, chỉ số SpO2 chỉ 54, tổ phải cho thở oxy liền và xin chuyển vào bệnh viện dã chiến. Bệnh nhân không tự đi ra xe được nên tổ phải dùng cáng để chuyển.

“Em với một nữ sinh viên Y khoa tình nguyện ở Thái Bình vào phải khiêng cáng bệnh nhân từ nhà, men theo con hẻm nhỏ rất xa mới ra đến được xe cấp cứu, đến nơi hai cánh tay ê ẩm luôn. Rất may là khi lên đến bệnh viện dã chiến cũng sắp xếp được chỗ”, bác sĩ Thành kể rồi giọng trầm xuống bởi sau đó mấy ngày hay tin bệnh nhân này đã không qua khỏi.

Trong khi người cha của bệnh nhân này cũng phải chuyển đến bệnh viện dã chiến vì chuyển biến nặng. “Hôm em vào thăm cụ ở bệnh viện dã chiến, nhìn ánh mắt của ông cụ rơm rướm khi hay tin con gái mình không qua khỏi mà em không cầm được nước mắt!”.

Mong sao đừng để F0 đi lòng vòng

Công tác 13 năm tại bệnh viện Nhân Ái (thuộc Sở Y tế TP.HCM) đóng trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Đây là bệnh viện chuyên điều trị cho các bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, bệnh nhân lao kháng thuốc, và các bệnh xã hội khác. Vì vậy, việc tham gia vào tổ y tế cộng đồng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 với bác sĩ Hồ Tấn Tài không gặp khó khăn về chuyên môn.

Nhưng nỗi buồn nhất hiện nay là các bệnh viện đang quá tải, việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gặp nhiều khó khăn, có trường hợp phải chở bệnh nhân đi lòng vòng mấy bệnh viện.

img

Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh rất khó khăn, có người ở trong các khu nhà trọ chật hẹp khiến việc tiếp cận cấp cứu cũng vô cùng gian nan.

"Có hôm đưa bệnh nhân có bầu tới bệnh viện Từ Dũ, lúc đó tim thai rất yếu, thai phụ huyết áp tụt, sốt cao, tiêu chảy… Nhưng khi đưa vào bệnh viện siêu âm xong thấy tim thai còn đập nên bệnh viện không nhận, vì ở đây chỉ nhận những bệnh nhân mang thai từ 37 tuần trở lên, cộng thêm không còn giường nằm. Mà đưa về thì chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong.

Chúng tôi đứng giữa đường không biết khóc với ai. Sau đó phải chở vòng lại bệnh viện dã chiến ở quận 7, may mắn là được nhận và cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Tài ngậm ngùi rồi kể thêm: Hôm 22/8 vừa chở một bệnh nhân đi cấp cứu ở Bệnh viện Đại học Y dược rất nặng, thở oxy còn không nổi mà phải đứng trước cổng giữa trời nắng hơn 1 tiếng đồng hồ, tranh luận mãi sau đó mới được nhận vào.

“Mình là bác sĩ mà phải đi cầu xin bác sĩ ở các bệnh viện khác để họ nhận bệnh khiến mình nổi nóng. Từ lúc tham gia vào tổ cấp cứu cộng đồng tính của tôi thay đổi hẳn, trở nên nóng nảy hơn vì ức chế vô cùng. Mong sao các bệnh viện được tiếp tục mở rộng để kịp thời cấp cứu cho người bệnh, để họ có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất, giành giật lại sự sống”, bác sĩ Tài tâm sự.

Cùng chung nỗi niềm, bác sĩ Phạm Cao Thành kể: Có hôm chuyển bệnh nhân tới bệnh viện, nhưng phải đứng chờ 80 phút giữa trời nắng, bệnh nhân thì nằm thở oxy trong xe, giải thích rất lâu sau đó bệnh viện mới tiếp nhận.

img

Cấp cứu cho một bệnh nhân F0 trong một khu nhà vừa là nơi ở vừa là nơi sửa xe mưu sinh

Theo bác sĩ Hồ Đăng Thanh Hải, đang phục vụ tại tổ công tác cộng đồng phường Bình Thuận, quận 7, sau một thời gian đầu có phần lúng túng, đến nay mọi việc cũng đã đi vào guồng.

Hiện lãnh đạo quận 7, bệnh viện quận 7 đã lập một group zalo để kết nối với các tổ y tế cộng đồng và các bệnh viện, do Phó giám đốc bệnh viện quận 7 phụ trách.

Khi tổ nào có bệnh nhân F0 muốn chuyển bệnh, đều nhắn tin lên group zalo đó. Lãnh đạo bệnh viện quận 7 sẽ tiếp nhận, liên hệ với các bệnh viện dã chiến để có sự điều phối.

Khi xác định được bệnh viện nào còn giường, sẽ thông báo để tổ chuyển F0 đến bệnh viện đó cấp cứu, tránh tình trạng phải chuyển F0 đi lòng vòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.