Thời sự

Những trường hợp nào được Chủ tịch nước ân giảm án tử?

31/08/2023, 16:38

Theo luật sư, để được Chủ tịch nước ân giảm án tử hình, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án cần gửi đơn lên Chủ tịch nước.

Văn phòng Chủ tịch nước vừa có thông báo về việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã quyết định ân giảm từ hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 11 bị án. Quyết định này dựa trên đề nghị của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước và sau khi xem xét, cân nhắc nhiều mặt.

Theo các quy định hiện hành, những trường hợp nào nằm trong diện được Chủ tịch nước xét ân giảm án tử hình?

Những trường hợp nào được Chủ tịch nước ân giảm án tử? - Ảnh 1.

Trao quyết định đặc xá cho phạm nhân.

Về nội dung trên, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015, tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật Hình sự quy định.

Trong số 18 tội phạm áp dụng hình phạt tử hình ở Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Đồng đánh giá phổ biến nhất là các loại hình tội phạm như giết người, tội phạm về ma túy.

Dẫn các quy định tại Điều 367 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, luật sư Đồng nhấn mạnh trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình được gửi đơn xin hoãn thi hành án lên Chủ tịch nước.

Theo luật sư, sau khi gửi đơn xin hoãn thi hành án tử hình, người bị kết án tử hình cũng được gửi đơn đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm. Trường hợp người bị kết án xin ân giảm hình phạt tử hình mà Chủ tịch nước bác đơn, thì bản án sẽ được thi hành.

Ngoài ra, khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án TAND tối cao, bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng VKSND tối cao. Trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hay tái thẩm. 

Nếu Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, sau đó Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị, thì TAND tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm án tử hình.

Từ những phân tích nêu trên, luật sư đúc kết rằng, để được Chủ tịch nước ân giảm án tử hình, trong thời hạn 7 ngày (kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật), người bị kết án có thể gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Những trường hợp nào được Chủ tịch nước ân giảm án tử? - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho rằng, ân giảm án tử hình thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Đáng chú ý, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên. Đó là các trường hợp người đủ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (theo điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự ), thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm tù.

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về điều kiện để được ân giảm án tử hình. Ân giảm án tử hình là thẩm quyền của Chủ tịch nước giảm hình phạt tử hình theo bản án đã có hiệu lực pháp luật xuống tù chung thân theo quy định của pháp luật, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, mở ra cho những người này khả năng ăn năn hối cải, cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội.

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Đồng, việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn. Đây là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân.

Người bị kết án về một trong các tội danh sau không được đề nghị xét đặc xá: Phản bội Tổ quốc; hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; gián điệp; xâm phạm an ninh lãnh thổ; bạo loạn; khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá rối an ninh; chống phá cơ sở giam giữ; khủng bố...


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.