Nợ xấu tăng 25%
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính với thu nhập lãi thuần đạt 6.721 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của ACB thu được khoản lãi hơn 196 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lãi hơn 204 tỷ đồng trong khi cùng kỳ báo lỗ.
Mặc dù vậy, thu nhập lãi từ tiền gửi và cho vay của ACB lại giảm xuống lần lượt 20% và 8,4%.
Sau khấu trừ chi phí, ACB báo lãi 3.905 tỷ đồng, giảm 5,6% so với quý I/2023.
Hiện tại, mức tín dụng của ACB đạt 506.000 tỷ đồng, huy động đạt gần 493.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 3,8% và 2,1%.
Đáng chú ý, tính đến 31/3/2024, tổng nợ xấu của ACB là 7.348 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm (không tính đến 5.478 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS). Tổng nợ có khả năng mất vốn tăng thêm 835 tỷ đồng, đạt 4.733 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 1,21% đầu năm lên 1,45%. Trước đó, nợ xấu của ACB cũng đã tăng mạnh 93% trong năm 2023.
Trong quý, ACB cũng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên 512 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ.
Tổng tài sản của ACB tăng nhẹ lên mức 727.297 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm gần 90%, đạt 652.507 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản cho vay khách hàng cũng tăng 4% lên mức 506.112 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 2% lên mức 492.804 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACB ở mức 26.700 đồng/cp, vốn hóa đạt 103.704 tỷ đồng. Cuối tháng 3/2024, quỹ ngoại Whistle Investment Limited cũng đã thoái toàn bộ vốn tại ACB sau 6 năm đầu tư và thu về hơn 5.471 tỷ đồng.
Duy trì nợ xấu dưới 2%
Trong ĐHĐCĐ mới đây, HĐQT ACB cũng đã đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2024 tăng 12%, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% đạt 593.779 tỷ đồng. Tăng trưởng cho vay khách hàng là 14% đạt 555.866 tỷ đồng; lợi nhuận ở mức 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023.
Ngân hàng cho biết, đây là mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thị trường. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, con số này cuối năm 2023 là 1,21%.
Bên cạnh đó, ACB cũng lên kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.
Sau chia cổ tức, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.800 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm.
Tại đại hội, Tổng giám đốc ACB cho biết, ngân hàng tự tin hoàn tất mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp năm nay là 14%. Huy động đạt 2,1% so với cuối năm 2023, CASA cũng cải thiện tăng lên trong quý I/2024 đạt 23%.
Về dư nợ cho vay bất động sản, hiện tỷ lệ của ACB đang dưới 2% trên tổng dư nợ và không có nợ xấu. Cho vay mua nhà của ACB ở mức dưới 22% trên tổng dư nợ, nợ xấu khoảng 1%.
Liên quan đến việc nợ xấu tăng, Tổng giám đốc ACB cho rằng, mức tăng có giảm, do đó dự báo nợ xấu ACB sẽ kiểm soát quanh 1,2-1,3%.
Về mảng trái phiếu, ACB cho biết, không có đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Trong đầu tư trái phiếu, ngân hàng này đang đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận