Chuyện dọc đường

Nỗi niềm những tài xế “coi cabin là nhà”

31/08/2021, 09:28

Hai tháng qua, nhiều tài xế coi “cabin là nhà", phải chịu rất nhiều áp lực, từ việc thường xuyên phải test nhanh đến thủ tục giấy tờ qua chốt.

Gần 2 tháng qua, 19 tỉnh thành phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hành trình của tài xế vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn, chật vật hơn so với trước đây rất nhiều.

img

Phương tiện vận chuyển hàng hóa bị ùn ứ tại Bến xe khách Trung tâm thành phố Cần Thơ ngày 24/8.

Anh Ngô Quốc Chấn, một tài xế container ngụ tỉnh An Giang chia sẻ, do hàng quán đã phải tạm ngừng đóng cửa, giờ anh và các đồng nghiệp phải tranh thủ thời gian dừng ở trạm để nấu ăn. Cả tháng nay, thực phẩm chủ yếu là mì gói và cá mòi.

Anh Chấn kể, hành trình từ Bình Dương về các tỉnh miền Tây, mỗi địa phương đều thiết lập hàng rào chống dịch. Có nơi xử lý rất nhanh, nhưng cũng có lúc phải nằm chờ 3-4 giờ mới được qua chốt do lượng xe quá đông.

Dù rất sợ lây nhiễm nhưng vì mưu sinh, anh buộc phải đi làm trong những ngày này. Hơn nữa, do đã gắn bó với công ty 6 năm, nếu anh nghỉ, họ chưa chắc đã tìm được người thay thế trong lúc này.

“Không ai muốn ra đường trong lúc này cả. Nhưng giữa lúc khó khăn, tôi sao đành nhìn công ty như thế. Dù rất nhớ vợ con nhưng đã 2 tháng nay tôi chưa về nhà”, anh chia sẻ.

Anh Chấn chỉ là một trong hàng chục nghìn tài xế xem “cabin là nhà” trong suốt hai tháng qua. Nhưng như chia sẻ của họ, thì điều đó vẫn chưa là gì nếu so với việc phải thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm, thậm chí có ngày tới 3 lần. Có lẽ vì thế mà nhiều người đã không chịu nổi áp lực, phải tạm “treo bằng”, xa nghề.

Một áp lực không kém là thủ tục giấy tờ để qua được các chốt kiểm soát.

Khi qua địa phận của nhiều tỉnh, tài xế phải trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính có giá trị 3 ngày, giấy đi đường, bản cam kết cùng các giấy tờ có liên quan việc chuyến giao hàng hóa.

Thậm chí, có nhiều tài xế còn phải nằm vạ vật nhiều ngày tại Bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ chỉ vì địa phương này quy định các xe chở hàng phải đăng ký trước, phải sang hàng hoặc đổi tài xế.

“Hôm đó, xe vào bến từ chiều 23/8, đến ngày 26/8 vẫn chưa vào được. Đã 4 lần vào để làm thủ tục nhưng họ nói thiếu nên yêu cầu tôi ra ngoài. Anh em phải ở trên xe ăn mì gói, chứ xung quanh đâu bán cơm, cháo gì đâu”, tài xế Nguyễn Văn Hoàng (ngụ tỉnh Đồng Tháp) kể.

Hay như phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải mới đây, tài xế khi vận chuyển hàng vào Cà Mau phải thực hiện test nhanh, sau khi giao hàng xong lại tiếp tục phải thực hiện test nhanh tiếp, dù giấy xét nghiệm vẫn đang còn hiệu lực! Chính điều này đã khiến nhiều tài xế sợ hãi, không dám nhận vận chuyển hàng vào Cà Mau.

Trên thực tế, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đã có những chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể đảm bảo vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi.

Theo tinh thần đó, tất cả các tuyến đường bộ, đường thủy đều là luồng xanh phục vụ vận chuyển hàng hóa; tất cả hàng hóa đều là thiết yếu trừ hàng cấm. Chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định phòng chống dịch. Các địa phương phải bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương áp dụng không thống nhất, gây ùn tắc và cản trở hoạt động của phương tiện.

Dẫu biết rằng các địa phương đặt ra quy định là để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, đặt an toàn lên hàng đầu. Tuy nhiên, dù là quy định gì thì cũng không thể trái tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Bởi nếu không, việc cản trở, gây ách tắc lưu thông hàng hóa chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi sản xuất, cung ứng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.