Không chỉ bằng đất, các nhà đầu tư dự án BT sau này sẽ được lựa chọn nhiều hình thức thanh toán khác. (Ảnh Dự án BT Phủ Lý-Mỹ Lộc) |
Ngày 27/6, Bộ KH&ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 15 lần này, Ban soạn thảo đề xuất nhiều phương án sửa đổi trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP... Đáng chú ý, cơ chế thanh toán cho dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) sẽ được nới rộng. Cụ thể, ngoài phương thức thanh toán bằng quỹ đất như trước đây, Dự thảo bổ sung phương thức thanh toán bằng quyền khai thác, kinh doanh một phần dịch vụ phát sinh từ công trình dự án BT theo điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng dự án hoặc các phương thức khác với điều kiện đảm bảo nguyên tắc: Dự án khác được thực hiện đảm bảo phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH đã được phê duyệt; Thanh toán ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị Dự án khác.
"Tùy từng trường hợp cụ thể, hoàn cảnh phù hợp, các nhà đầu tư dự án BT có thể được thanh toán qua việc khai thác tài nguyên, treo biển quảng cáo, hoặc sử dụng một phần diện tích trong công trình dự án...", ông Trần Việt Dũng, Chánh văn phòng PPP, Bộ KH&ĐT chia sẻ.
Về quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, Ban soạn thảo cũng đưa ra hai trường hợp: Thứ nhất, chỉ có một nhà đầu tư quan tâm và đáp ứng các tiêu chí sơ bộ, sẽ thực hiện theo quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư. Trong trường hợp có 2 nhà đầu tư sẽ thực hiện quy trình đấu thầu với tiêu chuẩn đánh giá không nghiêng về hướng khai thác địa tô cao nhất từ đất mà hướng tới các ràng buộc về thực hiện dự án hiệu quả nhất.
Theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, sau 2 năm thực hiện hình thức PPP theo quy định pháp lý mới, tới nay vẫn còn nhiều vướng mắc cần xem xét sửa đổi cho phù hợp với nền kinh tế. Cụ thể, với hình thức này, các dự án hạ tầng đã huy động tiềm lực tối đa trong nước song lại vắng bóng nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, đối với hình thức hợp đồng BT cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; thanh toán quỹ đất...
“Thực tế đã có một số dự án có chủ trương mở thầu song tới nay hầu như chưa có dự án nào được đấu thầu thành công”, ông Trương thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận