Thế giới

Nơi tổ chức tranh luận ứng viên Tổng thống Mỹ được lợi gì?

14/10/2016, 10:05
image

Để tổ chức một cuộc tranh luận kéo dài 90 phút, các trường đại học đăng cai tiêu tốn tới hàng triệu USD.

be103fea17323e82d60a1460df4d114611daa289809392d235
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump tại Đại học Hofstra ở Hempstead, New York

Trong cuộc đua Tổng thống Mỹ năm nay, các màn tranh luận giữa hai ứng viên trở thành sự kiện nóng chưa từng thấy thu hút lượng người xem kỷ lục. Đằng sau các màn tranh luận nảy lửa, địa điểm đăng cai được lựa chọn và chuẩn bị như thế nào để tạo được sức hút như vậy?

Mất 2 năm để được chọn

Cuộc đua Tổng thống Mỹ 2016 đi qua ba cuộc tranh luận, chỉ còn một cuộc cuối cùng sắp diễn ra vào ngày 19/10 tại Đại học Nevada, Las Vegas dưới sự chủ trì của người dẫn chương trình Chris Wallace đến từ Fox News Sunday. Cuộc tranh luận chốt hạ có cùng hình thức như cuộc đầu tiên, xoay quanh một số chủ đề cụ thể. Hai cuộc tranh luận trước của ứng viên Tổng thống diễn ra tại Đại học Hofstra ở Hempstead, New York và Đại học Washington tại St. Louis; Cuộc tranh luận của Phó tổng thống Mỹ diễn ra tại Đại học Longwood, Virginia. Câu hỏi đặt ra: Tiêu chí lựa chọn các trường đại học như thế nào?

Cố vấn cấp cao của Ủy ban Tổ chức tranh luận Tổng thống, Peter Eyre cho hay: “Ở mỗi địa điểm, chúng tôi sẽ cân nhắc rất nhiều yếu tố - cơ sở vật chất, cảnh sát địa phương, các lực lượng thực thi pháp luật, khách sạn, giao thông”. Sở dĩ ban tổ chức cần lựa chọn tỉ mỉ vì mỗi cuộc tranh luận thu hút hàng nghìn phóng viên/kỹ thuật viên tới đưa tin cùng khoảng 900 khán giả, khách mời, các chuyên gia.

“Đặc biệt, ngoài cơ sở vật chất, mỗi trường phải có một yếu tố thuyết phục để làm nơi tổ chức cuộc tranh luận”, ông Eyre cho biết. Chẳng hạn, khi chọn Trường Longwood, bên cạnh các yếu tố cơ sở hạ tầng khác, ban tổ chức ấn tượng với lịch sử và nhận thức về chính trị tại đây. Ông Reveley, Hiệu trưởng trường Longwood cho biết: “Quá trình từ lúc nộp đơn đến khi được xác nhận mất gần hai năm, đủ thấy chúng tôi nhiệt tình với cuộc đua Tổng thống tới mức nào”.

“Các trường phải cam kết tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường an ninh cũng như cam kết tài chính tối thiểu 1,5 triệu USD. Năm nay chi phí cam kết tăng lên tới 1,9 triệu USD”, ông McCurry, đồng Chủ tịch Ủy ban Tổ chức tranh luận Tổng thống nói.

Tốn hàng triệu USD

Để tổ chức một cuộc tranh luận kéo dài 90 phút, các trường đại học đăng cai tiêu tốn tới hàng triệu USD. Chẳng hạn, Đại học Hofstra - nơi tổ chức buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên (26/9) giữa hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump thu hút 84 triệu lượt xem truyền hình - tiêu tốn gần 8 triệu USD. Ngày 9/10 vừa qua, để chuẩn bị cho cuộc tranh luận thứ hai của ứng viên Tổng thống, Đại học Washington tại St.Louis chi khoảng 4-5 triệu USD, dựa trên chi phí mà hai trường Đại học Hofstra và Longwood đã chi trước đó.

Ông Steve Given, người chịu trách nhiệm chuẩn bị cuộc tranh luận tại Đại học Washington cho biết, khoản tiền này không nằm trong ngân sách hoạt động và cũng không có sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, như từng kêu gọi trong các lần tổ chức tranh luận trong quá khứ. Số tiền được trích từ 2,7 tỷ USD lợi nhuận hoạt động của nhà trường. “Dù chi phí cao nhưng chúng tôi sẵn sàng chi không tiếc tay vì đó là trải nghiệm giáo dục vô giá cho sinh viên”, ông Steve Given nói.

Bởi, dù chỉ có khoảng hơn 100 sinh viên được mời vào hội trường tranh luận nhưng bên ngoài, các sinh viên tổ chức rất nhiều bữa tiệc, bàn bạc về cuộc tranh luận xung quanh khuôn viên trường. Nhiều trung tâm trong trường được đón các diễn giả, chính trị gia nổi tiếng như chính trị gia, nhà báo kỳ cựu của tờ NYTimes David Brooks trước thềm sự kiện diễn ra để chia sẻ về các chủ đề tương lai chính trị và tôn giáo của nước Mỹ trong tương lai. “Đó là điều quan trọng với chúng tôi. Ở môi trường này, sinh viên sẽ cảm thấy mình được tham gia nhiều hơn vào môi trường chính trị”, ông Given nói. Jimmy Loomis, 21 tuổi, sinh viên Khoa Chính trị và tiếng Trung (Đại học Washington) chia sẻ, không khí trong trường vô cùng thú vị và sôi động. Ngày tranh luận là ngày mà các sinh viên trong trường không bao giờ quên trong cuộc đời.

Hơn nữa, theo ông Given, mỗi cuộc tranh luận khiến danh tiếng trường đại học “vụt sáng”. Vài ngày trước thềm sự kiện, báo giới quốc tế và trong nước đều tập trung đưa tin cuộc tranh luận và viết nhiều về địa điểm tổ chức sự kiện. Hàng trăm phóng viên lũ lượt tới thăm trường, trao đổi với các giáo sư, học sinh, xin liên lạc để tác nghiệp trong suốt thời gian diễn ra cuộc bầu cử. Chẳng hạn, Đại học Washington, với năm lần đăng cai tranh luận, nghiễm nhiên được đánh giá cao là ngôi trường coi trọng quyền được tham gia vào chính trị của công dân.

Hãng tin AP dẫn kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, tỉ lệ học sinh phổ thông yêu thích Trường Đại học Denver tăng cao sau khi trường này đăng cai tổ chức cuộc tranh luận năm 2012 giữa hai ứng viên Tổng thống lúc đó là ông Barack Obama và Mitt Romney. Còn đơn xin nhập học trường Hofstra tăng lên con số 5.000 sau khi tổ chức tranh luận cũng trong năm 2012.

Ngoài những lợi ích vô hình như kiến thức, trải nghiệm, danh tiếng, các trường đại học cùng các khu lân cận còn thu được lợi ích không nhỏ về kinh tế. Chẳng hạn, Trường Longwood dự tính thu được khoảng 10 triệu USD từ các nguồn hậu cần. Vì để tham gia sự kiện, báo chí và các chính trị gia phải bay tới sân bay địa phương, thuê xe, khách sạn và ăn uống tại các nhà hàng gần đó.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.