Tài chính

Nông dân làm ruộng bằng smartphone, máy bay không người lái

08/12/2022, 11:01

Phun thuốc, gieo mạ bằng máy bay không người lái, theo dõi canh tác trên smartphone… là cách thức đang được nhiều nông dân miền Tây áp dụng.

Tiết kiệm công sức, tiền bạc

img

Máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp do Viện Lúa ĐBSCL hợp tác với một đơn vị trong nước cung cấp

Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2022 vừa diễn ra vào đầu tháng 11 tại TP Cần Thơ, nhiều nông dân miền Tây đã “no” mắt khi được giới thiệu và chiêm ngưỡng nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ mới phục vụ cho nông nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Hoàng Nguyên, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Trường Thịnh cho biết, công ty đã mang đến giới thiệu tại hội chợ 5 dòng sản phẩm máy bay nông nghiệp DJI, với dung tích bình chứa từ 10 - 40 lít.

Các dòng máy bay này có thể phục vụ gieo sạ lúa và bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa và nhiều loại cây trồng khác như cây ăn trái, cây công nghiệp.

“Gian hàng của công ty thu hút được rất nhiều khách tham quan. Hai ngày diễn ra hội chợ, công ty đã có được các khách hàng ký hợp đồng mua sản phẩm”, anh Nguyên cho hay.

Anh Trần Văn Minh Tiến, phụ trách kỹ thuật Công ty Nicotex Cần Thơ cho biết, so với lao động thủ công, loại máy này có thể giúp giảm 30% chi phí về phân, thuốc, lúa giống, 50-60% tiền công lao động; bà con ít bị độc hại và chủ động với thời tiết hơn.

Tham quan tại các gian hàng, ông Trần Văn Chính, nông dân trồng hơn 13 công (mỗi công 1.000m2) sầu riêng xen bưởi da xanh ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho biết: “Mùa năm ngoái tôi thu hơn 800 triệu đồng, sang năm chắc được hơn 1 tỷ đồng.

Trồng sầu riêng phải phun thuốc diệt rầy xanh hàng tuần. Mà xịt tay thì rất mệt và chi phí cao, so với phun máy từ trên trời xuống nhẹ nhàng khỏe mạnh hơn nhiều. Chắc qua sang năm tôi mua máy”.

Còn nông dân Nguyễn Văn Phương ở ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) hiện canh tác 40ha lúa.

Đây là vụ thứ 6 ông áp dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật.

Ban đầu ông sử dụng thiết bị bay dịch vụ chỉ có 10 lít nước để phun, còn bây giờ thiết bị bay đã tăng dung tích lên 20 lít và chịu tải trọng đến 52kg. Nhờ đó, chỉ từ 7 – 12h đã phun xong 400 công ruộng.

“Thiết bị bay này vừa phun nhanh mà chi phí lại rẻ, chỉ tốn từ 130.000 - 160.000 đồng/lần phun thuốc/ha, tiết kiệm chi phí lên đến 6 triệu đồng/ha/vụ.

Hồi trước, tui mần có 30 công ruộng, xịt thuốc bằng tay tốn nhiều thời gian, công sức lắm. Bây giờ, nhờ có thiết bị bay này tôi khỏe re”, ông Phương chia sẻ.

Chuyển đổi để làm giàu

img

Khách tham quan máy bay không người lái nông nghiệp tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2022

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, ông Võ Văn Trưng (xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đã có thể theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của vườn nhà dù đang ở bất cứ đâu.

Đây chính là “trái ngọt” đầu tiên kể từ khi lão nông này quyết định đưa công nghệ mới vào trồng dưa lưới.

Theo ông Trưng, kể từ khi đưa vào ứng dụng công nghệ tưới của Israel, lượng nước tưới giảm hẳn, sâu bệnh cũng ít hơn, giảm được sức lao động.

Tiếng lành đồn xa, giờ gần 20 hộ xã viên HTX dưa lưới Thuận Phát với diện tích khoảng 4ha của ông Trưng cũng bắt đầu nắm bắt sự thay đổi.

Các hộ trồng xoay vòng nên bình quân từ 7-10 ngày cung cấp ra thị trường 7-8 tấn. Theo ông Trưng, nếu hộ nào chăm sóc kỹ, doanh thu 1.000m2 sẽ đạt gần 200 triệu đồng/năm.

“Bà con ngày càng nắm bắt khoa học kỹ thuật tiến bộ, dù lý thuyết không giỏi, nhưng khi được chia sẻ bằng thực tế thì tiếp cận mau lắm, không có gì khó khăn”, ông Trưng chia sẻ.

Những mô hình canh tác theo kỹ thuật mới như HTX dưa lưới Thuận Phát không phải là chuyện hiếm tại Hậu Giang những năm gần đây.

Từ những ngày đầu lạ lẫm với xây dựng mã số vùng trồng, nay nông dân đã thành thạo ghi chép nhật ký sản xuất, chuyển đổi sử dụng phân, thuốc hữu cơ, chế phẩm sinh học để tạo ra nông sản sạch đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Thành công đó một phần nhờ nỗ lực của các cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh. Không quản nắng mưa, không ngại xa gần, các cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con.

Ngoài ra, đơn vị còn cùng bà con xây dựng mô hình “Ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại một số tỉnh ĐBSCL” và dự án “Xây dựng vườn mẫu cây ăn quả thích ứng biến đổi khí hậu tại một số tỉnh ĐBSCL” giúp người dân chuyển đổi nhận thức trong canh tác.

Đáng chú ý, mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai và được sự đón nhận của bà con.

Tính chung từ năm 2021 đến nay, máy bay phun thuốc trong mô hình của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang đã phun dịch vụ trên 2.000ha.

Không dừng lại ở thuê máy bay, người dân tự đầu tư nhân rộng mô hình, nâng tổng số máy bay phun thuốc trên địa bàn hiện có 37 chiếc.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, từ thực tế sản xuất cho thấy, nông dân và doanh nghiệp rất quan tâm và đón nhận công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc này vẫn còn khá mới so với nhận thức và tập quán sản xuất của nông dân. Sắp tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý vùng sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc thông qua xây dựng ứng dụng hỗ trợ định vị vùng sản xuất, quản lý cơ sở dữ liệu về vùng sản xuất nông sản…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.