Tài chính

Nông dân lên mạng ào ào chốt đơn

06/06/2024, 07:11

Với những cách làm sáng tạo, nhiều địa phương trực tiếp tổ chức hỗ trợ bà con nông dân bán sản phẩm qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội để chinh phục thị trường nội địa.

Đơn hàng tăng nhanh

UBND huyện Ba Vì vừa tổ chức chương trình đào tạo kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử cho bà con. Buổi đào tạo thu hút được 300 người thuộc 29 đơn vị với trên 40 mặt hàng tham gia. Qua đó, bà con nông dân, các hộ kinh doanh được bồi dưỡng, hỗ trợ kỹ năng bán hàng trực tuyến trên các nền tảng khác nhau như Facebook, TikTok...

Nông dân lên mạng ào ào chốt đơn- Ảnh 1.

Huyện Ba Vì triển khai thí điểm chợ thanh toán không dùng tiền mặt giúp bà con nâng cao kỹ năng thương mại điện tử.

Là một trong những người vừa được hướng dẫn bán hàng livestream, anh Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy An, thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì (HTX), cho biết mỗi năm, HTX đưa ra thị trường khoảng 150 nghìn con gà, 100 vạn quả trứng. Riêng nhà anh cung cấp 5-7 nghìn con.

Trước khi được tập huấn kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử, các sản phẩm của gia đình anh Tài và HTX chủ yếu bán qua thương lái trung gian, đổ cho siêu thị, nhà hàng. Nay, các sản phẩm này đã được bán tới tận tay người tiêu dùng. Số lượng đơn hàng bán qua các sàn thương mại chiếm 15% tổng số đơn hàng.

"Khi mới làm còn bỡ ngỡ, nhưng dần cũng quen. Sản phẩm được bán trực tiếp tới người tiêu dùng, truy xuất được nguồn gốc. Cơ sở bán hàng chịu trách nhiệm sản phẩm của mình. Hiện, HTX có gà, vịt trời, tới đây phát triển thêm sản phẩm gà ủ muối và một số sản phẩm khác", anh Tài chia sẻ.

Anh Tài cũng cho biết thêm, bán hàng livestream qua các sàn thương mại điện tử tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Song, nó cũng đòi hỏi quá trình bảo quản chặt chẽ hơn để sản phẩm đảm bảo an toàn.

Ngoài Ba Vì, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội cũng triển khai mô hình "phiên chợ điện tử" livestream bán sản phẩm OCOP. Đoàn thanh niên các quận, huyện trực tiếp bán những sản phẩm điển hình, đã đạt chứng nhận OCOP, qua đó thu về cho bà con, các hợp tác xã hàng chục triệu đồng mỗi phiên.

Nhân rộng trên cả nước

Trong khi đó tại Quảng Ninh, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh tổ chức livestream bán vải chín sớm, một sản phẩm OCOP của thành phố. Cây vải chín sớm Phương Nam được trồng tại phường Phương Nam, TP Uông Bí từ những năm 1960. Giống vải có trái to, vỏ mỏng, cùi dày, nhiều nước, vị ngọt chua dịu, chín sớm hơn các giống vải khác từ 10-20 ngày.

Nông dân lên mạng ào ào chốt đơn- Ảnh 2.

Nông sản của Ba Vì được bán bằng livestream.

Hoạt động này đã được nhân rộng nhiều tỉnh trên cả nước, đặc biệt là trên kênh TikTok thông qua chương trình hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và TikTok Việt Nam nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số cho chương trình OCOP Quốc gia.

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, với sự hỗ trợ, song hành của TikTok Việt Nam, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động như kết nối với các địa phương tổ chức các phiên chợ OCOP, như: Bắc Kạn, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau…

Sau hơn một năm triển khai, các chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok Việt Nam đã có hơn 800 phiên livestream đạt 1,4 tỷ lượt xem. Qua đó, đã hỗ trợ cho hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến…

Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thông qua livestream bán hàng nông sản, nhiều nông dân đã thành công. Theo đó, doanh số bán hàng lúc đầu chỉ 30-40 triệu đồng mỗi lần livestream, nay đã tăng lên 150-200 triệu đồng, thậm chí có cá nhân lên đến 300-500 triệu đồng.

Còn dư địa phát triển

Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, hiện còn rất nhiều dư địa để các sản phẩm nông nghiệp có thể phát triển. Tuy vậy, việc bán hàng thông qua kênh livestream của nông dân vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy họ rất cần được đào tạo.

Việc thúc đẩy và đào tạo được nhiều người bán hàng trên mạng xã hội sẽ tạo cơ hội không chỉ cho những người kinh doanh nông sản mà còn còn là niềm hy vọng chung cho những người làm kinh doanh.

Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì khẳng định, huyện Ba Vì tổ chức đào tạo thường xuyên, giúp bà con thành thạo truyền tải thông tin sản phẩm của mình đến người tiêu dùng.

Chủ trì buổi đối thoại với các doanh nghiệp, chủ thể OCOP, các nhà sáng tạo nội dung, các nhà bán hàng uy tín trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp đã chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; Thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản.

Chợ phiên OCOP đã mang sản phẩm OCOP cùng nông đặc sản địa phương quảng bá trên nền tảng TikTok thông qua hình thức livestream và video ngắn, bước đầu tạo hiệu ứng tốt và hiệu quả, được nhiều địa phương, chủ thể OCOP hưởng ứng.

Cùng với thúc đẩy bán hàng livestream, nhiều địa phương cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, mã hóa tên phố bằng QR, thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đó, Quận đoàn Bắc Từ Liêm, Hà Nội triển khai thực hiện mã hóa thông tin 10 tuyến phố mang tên danh nhân trên địa bàn. Ngay dưới biển tên tuyến phố là một biển phụ với thông tin kèm mã QR.

Tuyến phố Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) trở thành tuyến phố 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt. Các hộ kinh doanh trên tuyến đường này được tư vấn chuyển đổi số, cập nhật mã QR vừa giúp việc thanh toán trở nên nhanh chóng, hiện đại, vừa thuận tiện cho việc tra cứu thông tin của doanh nghiệp.

UBND huyện Ba Vì thí điểm triển khai mô hình chợ không dùng tiền mặt tại chợ Mơ (xã Vạn Thắng) và chợ Quảng Oai (thị trấn Tây Đằng), hai chợ có quy mô lớn nhất huyện.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.