Showbiz

NSND Thu Hiền: Tôi vẫn hát bằng cả trái tim

Ở tuổi 72, NSND Thu Hiền vẫn thường xuyên đi biểu diễn. Với bà, cuộc sống giờ đây là sự bình lặng, hạnh phúc bên người chồng hết mực yêu thương.

 Học hỏi thế hệ trẻ

Cuộc sống hiện tại của NSND Thu Hiền ở tuổi 72 thế nào?

Tôi thấy cuộc đời mình bình lặng, hạnh phúc. Cuộc sống hiện tại của tôi cũng bình thường, giản đơn. Vợ chồng tôi đang sống tại một chung cư ở TP.HCM. Khi tôi đi diễn, ở nhà cũng có người chăm sóc ông xã. Khi nào tôi về thì hai vợ chồng lại tâm sự cùng nhau.

NSND Thu Hiền: Tôi vẫn hát bằng cả trái tim- Ảnh 1.

NSND Thu Hiền có cuộc sống bình yên, hạnh phúc bên ông xã là Anh hùng Lực lượng vũ trang Vũ Ngọc Đỉnh.

Sáng tôi đi bộ, rèn luyện thể thao, xong xuôi, tôi về nhà chuẩn bị đồ ăn cho chồng, lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Vào các buổi chiều, tôi thường nghe nhạc của các bạn trẻ. 

Điều gì khiến một nghệ sĩ nổi tiếng như bà vẫn nghe nhạc trẻ? 

Là người đi trước, tôi vẫn học hỏi ngược lại các em, bằng cách nghe những sản phẩm mới mỗi ngày. Tôi học từ cách hòa âm phối khí đến lối thể hiện, sao cho mới mẻ, bớt nhàm chán. 

Tôi vẫn làm việc, đi hát nhưng tần suất không nhiều bởi sức khỏe không cho phép, chủ yếu để bớt nhớ nghề thôi. Tôi chỉ tham gia một số sự kiện, chương trình của Nhà nước, các cơ quan đoàn thể, không đi hát hay chạy show ở các tụ điểm.

Thanh xuân để lại chiến trường

Giọng hát của NSND Thu Hiền gắn liền với rất nhiều bài về chiến tranh, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Những năm tháng trực tiếp ở chiến trường có ý nghĩa thế nào với bà? 

Tôi đi diễn từ lúc lên 5 tuổi, ngồi trong thúng, được các cô, các bác trong gánh hát rong lôi đi khắp nơi. Đến năm 15 tuổi, sau khi được đào tạo, trang bị chuyên môn, ý thức chính trị, tôi vào chiến trường miền Trung, hát phục vụ bộ đội. 

NSND Thu Hiền: Tôi vẫn hát bằng cả trái tim- Ảnh 2.

NSND Thu Hiền vẫn miệt mài đi hát, giảng dạy và làm từ thiện ở tuổi 72.

Tôi may mắn được đi theo những đoàn xung kích vào những chỗ ác liệt như khu 4, từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Đây đều là những tuyến lửa, bom đạn.

Tuổi thanh xuân tôi tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đã làm hết mình với dòng nhạc mà mình theo đuổi. 62 năm ca hát, mỗi khi bước ra sân khấu, tôi luôn hát bằng trái tim và nhiệt tình của mình. Đến bây giờ, tôi vẫn hát bằng tất cả tình cảm của một người đã đi qua những năm tháng khó khăn, vất vả cùng cả nước.

Trong gia đình, 3 chị em tôi đều vào chiến trường, nhưng tôi may mắn còn sống sót. Hai đứa em của tôi đều nằm lại, một đứa ở chiến trường Quảng Trị, người ở Tây Nguyên. Một người em khác của tôi lại mang chất độc màu da cam. Cho nên hơn ai hết, tôi thấu hiểu những nỗi đau, mất mát mà chiến tranh gây ra. 

Vì thế, mỗi lần bước lên sân khấu, tôi hát không chỉ để cất lên tiếng lòng mình mà còn là của những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người chiến sĩ ở ngoài mặt trận.

Những năm tháng đẹp nhất cuộc đời, bà gửi lại nơi chiến trường. Có kỷ niệm nào khiến bà nhớ mãi mỗi khi nhắc đến?

Khi sự sống và cái chết cận kề nơi chiến trường khốc liệt, tôi và những người đồng đội của mình có vô vàn kỷ niệm để nhớ. Lần đầu tiên bước chân tới Hà Tĩnh, xuống bến phà Linh Cảm, lúc đó, xe của chúng tôi bị đánh bom, tự nhiên tôi nghe thấy một tiếng ru. 

Vào chiến trường, tận mắt thấy sự khốc liệt của bom đạn, tôi khóc vì vừa thương, vừa sợ. Dù đã được trang bị tinh thần, học tập, rèn luyện ý chí nhưng đó vẫn chỉ là trên lý thuyết. Thực tế, chiến trường kinh khủng hơn rất nhiều. 

Tôi nhớ nhất kỷ niệm năm 1972, tôi đến Đông Hà (Quảng Trị) và nhận được lệnh tới sông Thạch Hãn để hát qua bên kia Thành Cổ. Tôi phải hát qua chiếc loa bóp nhưng cứ bóp thì quên hát, mà hát lại quên bóp. 

Đồng chí chính trị viên ở sau phải cầm cây gậy khều vào lưng để nhắc. Đến cuối cùng, may mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ "truyền lửa tinh thần" từ bên này bờ sang bên kia bờ cho các đồng đội. Hôm ấy, tôi hát hai bài là "Trông cây lại nhớ đến Người" (nhạc sĩ Đỗ Nhuận) và dân ca "Người ơi người ở đừng về".

Có lần, tôi cùng đoàn vào sâu trong chiến trường để chuyển thương binh ra, đem vào hang phẫu thuật vết thương. Khi ấy không có thuốc mê nên phải mổ sống. Tôi ngồi hát cho các anh nghe, cứ bảo: "Anh ơi, anh mở mắt nhìn em hát này", rồi hát bài này sang bài khác. Có những anh qua được nhưng có những anh ra đi mãi mãi.

Chúng tôi vừa đi vừa cất tiếng hát, dọc đường hành quân. Đấy là sân khấu của chúng tôi, không ánh đèn, không trang phục. Lúc dưới địa đạo, chúng tôi hát với ánh đèn dầu, lúc trong rừng sâu, chúng tôi hát dưới ánh sáng của đèn ô tô. Chúng tôi hát với những ống bơ địch bỏ đi, cắm tre vào giữa để cho tiếng vang. Đa số đều là hát vo. 

Ngoài mang "tiếng hát át tiếng bom", bà san sẻ cùng đồng đội những gì ở nơi chiến trường?

Không chỉ biểu diễn, chúng tôi còn tham gia nấu ăn, cứu chữa cho thương binh, đỡ đẻ. Chúng tôi cũng đối mặt bom rơi lửa đạn, với sinh tử. Bản thân tôi cũng làm nhiều công việc như y tá, lấy gạo, chăn nuôi, hát, đóng kịch. 

Nhiệm vụ của người nghệ sĩ, chiến sĩ là như thế đó. Gian khổ không thể kể hết nhưng tất cả chúng tôi rất thương nhau, cùng chung một ý chí, lạc quan vượt qua. 

Tình cảm không thể hiện bằng lời mà qua những ca khúc

Sau này, khi kết hôn với Anh hùng Lực lượng vũ trang Vũ Ngọc Đỉnh – người bắn hạ 6 máy bay Mỹ năm 1970, bà vẫn trở lại chiến trường. Những năm tháng ấy, ông xã đồng hành cùng bà thế nào?

Thời chúng tôi, để có thể liên lạc với nhau chỉ có lá thư. Trong thư, đã là vợ chồng thì sao viết được cảnh yêu đương nữa, nhất là khi tôi hay hát những bài về con người, tình yêu quê hương, đất nước... Mọi tình cảm tôi không thể hiện bằng lời mà qua những ca khúc, những giai điệu mà tôi đã từng biểu diễn.

Đến năm 1971, tôi sinh con, nhưng cũng gửi lại con ở miền Bắc cho mẹ nuôi. Năm 1972, tôi vào chiến trường Quảng Trị lần thứ hai. Sau đó, tôi được chọn là một trong 12 dũng sĩ sang Pháp để phát huy tinh thần của Hội nghị Paris năm 1973. Về rồi lại tiếp tục tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. 

Những lúc được về thăm con, tôi tranh thủ cho con bú rồi giục con bú nhanh để mẹ còn đi. Cũng thương con lắm nhưng vì lúc đó, tất cả ý chí của mọi người đều như nhau, đi vào chiến trường với niềm vinh dự, hân hoan nên không nghĩ gì đến bản thân.

Cuộc sống giản đơn ở tuổi 72

Đến bây giờ, khi chiến tranh đã xa, NSND Thu Hiền vẫn được chồng chiều hết mực?

Ông xã hơn tôi 12 tuổi và giờ cũng đã nghỉ hưu nên chỉ ở nhà, chính vì vậy ông xã rất thông cảm, ủng hộ công việc và sở thích của vợ. 

NSND Thu Hiền: Tôi vẫn hát bằng cả trái tim- Ảnh 3.

NSND Thu Hiền biểu diễn trên sân khấu.

Tôi thích làm từ thiện, theo khả năng của mình thôi. Mỗi lần đi hát đều bớt ra một chút để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tôi và hai con gái cùng góp tiền, xây nhà tình nghĩa ở miền Tây. 

Số tiền không lớn so với nhiều người nhưng là nỗ lực của ba mẹ con. Ngoài ra, chúng tôi nhận nuôi năm em nhỏ, hỗ trợ mỗi em vài triệu đồng mỗi năm. 

Cảm ơn bà!

NSND Thu Hiền tên thật là Nguyễn Thị Thanh Hiền, sinh năm 1952 ở Đông Hưng, Thái Bình. Cha bà là nghệ sĩ Hoài Ân, nổi tiếng với biệt danh Tám Kèn của Đoàn Dân ca liên khu 5 (tiền thân của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định), mẹ bà là diễn viên chèo tuồng Thanh Hảo. Em trai bà là NSND Hoài Huệ, từng là trưởng đoàn tại Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Bà đi hát ở chiến trường từ năm 1967, từng tham dự nhiều sự kiện chính trị trọng đại. Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993.

Bà được nhớ đến qua những bài ca đi cùng năm tháng, gắn liền với hình ảnh người lính và tình yêu dành cho quê hương, đất nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.