Sở hữu gương mặt nghiêm nghị, NSƯT Mai Nguyên thường được các đạo diễn giao cho các vai phản diện, gia trưởng.
Trở lại màn ảnh nhỏ sau 6 năm vắng bóng, nam nghệ sĩ nhanh chóng chiếm được tình cảm của khán giả với vai Chủ tịch Khang trong phim “Hương vị tình thân”. Anh đã có những chia sẻ với Báo Giao thông về một vai diễn cỡ “ông bố quốc dân” và những trải nghiệm đáng nhớ trong quá trình thực hiện bộ phim.
NSƯT Mai Nguyên trong phim “Hương vị tình thân”
Tôi thích những vai phản diện
Sau 6 năm, NSƯT Trịnh Mai Nguyên trở lại màn ảnh nhỏ với vai diễn hoàn toàn khác trước đây. Đến thời điểm hiện tại, anh hài lòng với những gì mình thể hiện ở vai Chủ tịch Khang trong “Hương vị tình thân”?
Nói hài lòng có lẽ không diễn viên nào hài lòng với bản thân mình, lúc nào cũng muốn vai diễn của mình tốt hơn nữa.
Với “Hương vị tình thân”, nếu kịch bản đã hoàn thiện sẵn trước khi bấm máy thì ê-kíp sẽ dễ dàng hình dung chính xác, cụ thể hơn. Mỗi tuyến nhân vật cũng có thể cân bằng vai diễn của mình ở mỗi giai đoạn hơn.
Nhân vật ông Khang thực ra đã được khắc họa rõ nét từ kịch bản, tôi chỉ thể hiện lại sao cho mềm mại, khai thác đúng mạch chiều sâu tâm lý nhân vật để chân thực, gần gũi hơn thôi. Tôi rất vui khi nhiều người nhắn tin khen vai diễn hay, đặt biệt danh “ông bố quốc dân” (cười).
Hàng chục năm làm nghề, đây là lần hiếm hoi anh được vào vai chính diện?
Tôi vẫn thích dạng vai phản diện hơn, nhiều đất diễn và dễ diễn hơn. Vai chính diện mà không tìm được hạt nhân của nhân vật hay không chịu đầu tư, sáng tạo nhiều khi bị nhạt vì không có nhiều xung đột.
Nhưng vai phản diện nhiều khi cũng khiến diễn viên gặp rắc rối, thậm chí bị ghét lây?
Trước đây tôi thường được giao vai phản diện. Chẳng hạn như nhân vật ông bố gia trưởng trong “Bí mật Eva”, khi chiếu lên, khán giả ghét, thậm chí báo chí cũng cảm giác không thích nên có người còn viết “gặp người đàn ông đáng ghét trên truyền hình” (cười)
Thật ra, khi là một diễn viên chuyên nghiệp sẽ phân định rạch ròi được cảm xúc này của khán giả. Khi bị ném đá là hiệu ứng của vai diễn, ném đá càng nhiều thì thành công càng lớn. Trừ trường hợp vai diễn hay mà diễn viên bị chê diễn dở mới là điều đáng sợ.
Ông Khang là người khiêm tốn
NSƯT Mai Nguyên vai ông Khang trong "Hương vị tình thân"
Vai ông Khang là vai chính diện, nhưng được rất nhiều khán giả yêu mến. Anh đã tính toán như thế nào cho nhân vật này?
Ngay từ khi đọc kịch bản, tôi cảm nhận được những câu hỏi lớn của cuộc đời mỗi người, của đời sống gia đình hiện đại được đặt ra trong mỗi nhân vật, mỗi tuyến gia đình với bao mâu thuẫn vốn có của nó. Rằng đâu mới là chân giá trị của cuộc sống? Điều gì sẽ mang lại cảm giác ấm áp, hạnh phúc và sự thanh thản trong tâm hồn mỗi người? Phải chăng là tiền tài, danh vọng...? Đây sẽ là một gợi ý để khán giả tự rút ra câu trả lời của riêng mình
Thật ra, trong kịch bản, nhân vật ông Khang có hơi cứng hơn một chút. Tuy nhiên, mỗi nghệ sĩ sẽ có cá tính riêng, màu sắc riêng cho nhân vật.
Bản thân tôi từ đầu cũng xây dựng một lý lịch hoàn chỉnh cho ông Khang, gia tộc họ Hoàng. Mỗi cảnh quay, tôi đều liên tưởng đến những gì sinh động, gần gũi nhất để lấy cảm xúc ngay tại chỗ.
Điểm nổi bật ở ông Khang là người đi nhiều, gặp nhiều, quan sát nhiều thì mới có thành công như vậy trên thương trường. Nên có thể ông bớt sự gia trưởng và phát huy những gì ở cuộc sống hiện đại, tốt cho gia đình, con người nên ông yêu thương gia đình theo cách rất hiện đại.
Điều gì ở nhân vật ông Khang khiến anh thích thú?
Ông Khang có hạt nhân sống là tình cảm của ông với mẹ - đấng sinh thành đã hy sinh hết cả cuộc đời để nuôi nấng những đứa con.
Trong suốt chiều dài hơn trăm tập phim, tất cả hành động, chính kiến của ông Khang đều ở quan điểm mẹ là nhất. Ông ấy lấy đấy là gốc chứ không phải so sánh ai nhất, ai nhì.
Đây cũng là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa người Việt. Khi chúng ta cư xử với những người thân như thế nào, thì sau này con cháu cũng sẽ học theo và trở thành một nếp sống đẹp, nhân văn.
Một số đồng nghiệp nhận xét anh có khá nhiều điểm tương đồng với tính cách của ông Khang, bản thân anh có thấy như vậy?
Đúng là như thế. Bản thân tôi không nghĩ tôi khiêm tốn. Nhưng ông Khang - ở địa vị một người có tiền, có quyền lại rất giữ kẽ, khiêm tốn trong các mối quan hệ với họ hàng, thông gia, thậm chí với người giúp việc. Bởi ông Khang sợ rằng người ta nghĩ mình giàu có thì kênh kiệu, xa cách.
Là người chồng, người cha thoải mái
NSƯT Mai Nguyên
Trong phim, hơn một lần khán giả rơi nước mắt ở những cảnh ông Khang ôm mẹ khóc, hay lặng ngắm mẹ từ xa. NSND Như Quỳnh và anh đã có những tương tác ra sao để có những cảnh quay đắt giá như vậy?
Cảnh hai mẹ con ôm khóc trong “Hương vị tình thân” phần 2 tập 6 là cảnh mất thời gian, tốn công sức nhất. Trong không khí của trường quay, để nhập tâm vào đoạn đó rất khó.
Bình thường, chúng tôi mất nửa tiếng cho một phân đoạn mới nhưng với cảnh này, chúng tôi mất đến 2 tiếng để chọn lựa lời thoại, thậm chí tính từng khoảng lặng để sao cho vừa đủ, dẫn được câu chuyện chân thật nhất.
Tôi và chị Như Quỳnh phải thoại rất nhiều lần, quay đi quay lại nhiều đúp mới có những góc quay, cảnh quay đẹp. Ban đầu, không phải bà Dần sang ôm ông Khang, mà ông Khang có ý sang ôm bà Dần nhưng lên hình cảnh đó không đẹp.
Đến đúp cuối, mới là cảnh như trên phim. Chị Như Quỳnh lúc đó cũng ứng biến rất tinh tế, bản thân diễn viên không hề có sự chuẩn bị trước nên khi lên phim mới có cảm giác chân thật, tạo được hiệu ứng xúc động.
Thật ra, nhìn tưởng đơn giản nhưng sự tinh tế đó mới chứng minh đẳng cấp của một diễn viên dày dặn kinh nghiệm như NSND Như Quỳnh. Đặc biệt ở cảnh diễn đôi, dường như chị Quỳnh đã dành 200% tâm huyết, đầu tư nhiều công sức, đào sâu tâm lý cho vai diễn của mình.
Anh lấy cảm xúc từ đâu cho những phân cảnh xúc động này?
Tôi nghĩ đến mẹ mình. Bà có nét tương đồng bà Dần trong phim, đều là những phụ nữ hy sinh hết mình vì gia đình. Bà luôn tâm niệm: Hãy yêu thương, quan tâm mọi người hết mình mà không cần được đáp trả.
Mẹ tôi từng là hiệu phó của một trường cấp 2 ở Thanh Hóa. Sau một trận ốm thập tử nhất sinh, mẹ tôi quyết định bỏ nghề, theo chồng đưa hai con lên Hà Nội kiếm sống, mở cửa hàng bán cháo, đồ ăn vặt. Bà bán hàng trước cổng Đại học Sư phạm, ngày ngày nhìn giáo viên đi dạy, sinh viên lên giảng đường, vô cùng tủi thân, chạnh lòng.
Bà không bao giờ nói với chúng tôi về nỗi buồn ấy nhưng các con đều cảm nhận được, rất thương bà. Nhờ cửa hàng này mà bà nuôi nấng hai anh em tôi tốt nghiệp đại học.
Bố tôi - nhà thơ Trịnh Thanh Sơn - từng đưa chuyện này vào thơ: “Nhà chỉ có một quán thu nhưng ba quán chi”, “ba quán chi” ấy là ông chồng và hai đứa con đang ở tuổi ăn, tuổi học.
Ngoài là một người con có hiếu trong gia đình, anh là người chồng, người cha như thế nào?
Tôi là người khá thoải mái, không áp đặt, đặc biệt trong việc nuôi dạy con cái. Tôi để các cháu tự do phát triển. Khi con trai lớn thi đại học, gia đình muốn cháu học ngành Dược nhưng gần kỳ thi, cháu lại chuyển sang ngành Kiến trúc.
Tôi ủng hộ vì muốn con học được cách chịu trách nhiệm với mỗi quyết định của mình. Còn về bà xã, nguyên tắc sống và làm việc của tôi là không nói về bà xã (cười!). Chúng tôi cũng gắn bó với nhau gần 2 thập kỷ, chắc cũng phải thế nào thì mới được như vậy đúng không? (cười).
Cảm ơn anh!
NSƯT Mai Nguyên sinh năm 1975, quê gốc Thanh Hóa nhưng lớn lên ở Hà Nội. Anh hiện đang công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Trên sân khấu kịch, anh từng ghi dấu ở các vở: “Nghêu Sò Ốc Hến”, “Lâu đài cát”, “Lão hà tiện”, “Chuyện chàng dũng sĩ”, “Hamlet”…
Nam nghệ sĩ từng giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012, Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu kịch Lưu Quang Vũ 2013, Huy chương Vàng tại Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận