Chuyện dọc đường

PC-Covid sẽ hiệu quả hơn, nếu…

29/10/2021, 06:00

Vô lý khi đã quét mã QR Code tại điểm đến, tại chốt kiểm soát, tại bệnh viện, nhà ga, tàu bay, bến xe nhưng xong xuôi vẫn phải khai báo... giấy

Sau rất nhiều mong đợi, PC- Covid, một ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác phòng, chống Covid-19 tích hợp từ nhiều ứng dụng khai báo trước đây đã chính thức ra mắt và liên tục thông báo cải tiến.

Cho đến thời điểm này, việc quét mã QR Code đã dễ dàng hơn, không phải khai báo quá nhiều thông tin sau khi đã khai báo lần đầu.

Tính năng tự động bật bluetooth và bảo mật đã được điều chỉnh theo hướng tiết kiệm pin điện thoại và không lộ thông tin cá nhân người sử dụng.

img

Tiểu thương chợ Long Biên, Hà Nội quét mã QR thông qua app PC-CovidẢnh: Tạ Hải

Tuy nhiên việc đồng bộ dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Người đã có “thẻ xanh” trên Sổ khai báo sức khỏe điện tử vẫn phải chấp nhận “không có gì” trên app PC - Covid.

Các kết quả xét nghiệm Covid-19 dù được làm tại bệnh viện công, phải trả tiền hay xét nghiệm chỉ định miễn phí không mất tiền đều không được kết nối đến dữ liệu cá nhân của người dùng trên ứng dụng này.

Một điều quan trọng khác nữa là tác dụng truy vết và khai báo trên PC - Covid đang bị hạn chế và gần như trở thành “vô hiệu” khi người dùng tham gia các phương tiện giao thông, qua chốt kiểm soát của một số tỉnh thành.

Đến thời điểm này, người đi qua Tuyên Quang (không vào hay vào tỉnh) đều phải xuống chốt kiểm soát đóng dấu đỏ vào tay rất thủ công. Tuyên Quang giống một số tỉnh khác không dùng PC - Covid mà dùng VN - EID để khai báo.

Còn người đi vào Hải Phòng, Quảng Ninh… khai báo qua PC - Covid kèm thêm camera chụp ảnh nhận dạng. Tại khu vực miền Nam, cũng chưa thực sự thống nhất trong việc khai báo qua ứng dụng nào để qua lại giữa các khu vực có chốt kiểm soát.

Sẽ là vô lý nếu đã quét mã QR Code tại điểm đến, tại chốt kiểm soát, tại bệnh viện, nhà ga, tàu bay, bến xe, lên ô tô khách nhưng vẫn phải khai báo vào giấy để các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các tỉnh thành có hồ sơ lưu trữ.

Đôi chỗ không cần khai báo giấy thì vẫn yêu cầu nhập thông tin trên các ứng dụng khác, mà phần nhiều là các ứng dụng của địa phương và VN - EID của Bộ Công an.

Thời gian chung sống với Covid-19 hẳn còn dài, nếu không có chuyển biến thật sự trong sử dụng công nghệ để phòng chống, truy vết thì sẽ vẫn còn tình trạng “mỗi nơi mỗi kiểu”, tốn nhân lực, vật lực.

Nhất thiết phải tập trung dữ liệu lên một nền tảng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền như công an, y tế, giao thông được trích xuất hoặc được tiếp nhận các dữ liệu cần thiết để phục vụ việc quản lý chuyên ngành.

Chỉ khi dữ liệu được đồng bộ hóa, được nạp đủ; người dân có niềm tin và bắt buộc phải sử dụng hàng ngày thì hiệu quả công nghệ mới được phát huy.

Không khó để thấy, hiện nay ngay tại Hà Nội, rất nhiều người bỏ qua việc quét QR Code khi vào nhà hàng, quán xá, siêu thị... Không ai xử phạt hay nhắc nhở.

Mọi việc nếu vẫn tiếp diễn như thế, thì ngay cả khi PC - Covid hoàn thiện đến mức tốt nhất, nó vẫn không thể hoàn thành trách nhiệm truy vết như mục tiêu đề ra.

Bích Hằng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.