Thời sự Quốc tế

Nga tuyên bố sẽ đáp trả việc Phần Lan gia nhập NATO

05/04/2023, 10:00

Các cơ quan của Nga đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc Phần Lan gia nhập NATO là sai lầm lịch sử nguy hiểm có thể làm suy yếu an ninh khu vực.

Moscow buộc phải có biện pháp đối phó

Ngày 4/4, ngay sau lễ kết nạp chính thức Phần Lan làm thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga cho rằng, việc Phần Lan gia nhập khối là sai lầm lịch sử nguy hiểm có thể làm suy yếu an ninh khu vực, gia tăng nguy cơ xung đột và buộc Moscow phải thực hiện biện pháp đối phó.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh, việc NATO kết nạp Phần Lan làm “gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra xung đột”. Song theo ông, động thái này sẽ không ảnh hưởng tới kết quả chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

img

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto đã trao văn bản chính thức cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hoàn tất quy trình kết nạp nước này trở thành thành viên thứ 31 của khối

Trong khi đó, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, việc NATO tiếp tục mở rộng là hành động “xâm phạm an ninh và lợi ích quốc gia của Nga”, khiến Moscow buộc phải thực hiện biện pháp đối phó. Các biện pháp này sẽ được điều chỉnh tùy theo những loại trang thiết bị quân sự, cơ sở hạ tầng NATO triển khai tại Phần Lan.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga có phát ngôn cho rằng, Phần Lan đã phạm sai lầm lịch sử nguy hiểm khi quyết định gia nhập NATO, làm ảnh hưởng tới vị thế của quốc gia này trên trường quốc tế và tổn hại tới mối quan hệ giữa Helsinki - Moscow.

“Chính sách không liên minh quân sự từ lâu đã phục vụ cho lợi ích quốc gia của Phần Lan và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tin ở khu vực biển Baltic và toàn lục địa châu Âu.

Nhưng giờ đây điều đó đã là quá khứ. Phần Lan đã trở thành một trong số những thành viên ít có tiếng nói trong liên minh NATO và đánh mất vị thế đặc biệt trong các vấn đề quốc tế. Chúng tôi chắc chắn, lịch sử sẽ cho thấy đây là quyết định khinh suất”, theo nội dung thông báo của Bộ Ngoại giao Nga.

Bước ngoặt quan trọng

Tối 4/4, theo giờ VN, buổi lễ kết nạp Phần Lan trở thành nước thành viên thứ 31 của NATO được tổ chức tại trụ sở của liên minh ở Brussels, Bỉ. Tại đây, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto đã trao văn bản chính thức cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chào đón Phần Lan và nhấn mạnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lấy việc NATO mở rộng làm cớ để thực hiện chiến dịch đặc biệt nhưng ngày hôm nay, Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển sẽ trở thành thành viên có cam kết đầy đủ của liên minh.

Trước thềm sự kiện, tối 3/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sẽ thực hiện nghi lễ thượng cờ Phần Lan ở trụ sở của liên minh này tại Bỉ.

Ông khẳng định, đây sẽ là ngày tốt đẹp đối với an ninh Phần Lan, an ninh Bắc Âu và cả NATO nói chung.

img

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Việc kết nạp Phần Lan trở thành thành viên của NATO đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong bức tranh an ninh tại Đông Bắc Âu. Qua đây, liên minh quân sự này sẽ có thêm một đồng minh với 1.300km đường biên giới sát Nga.

Trước đó, 5 quốc gia là thành viên NATO có đường biên giới chung với Nga, dài tổng cộng 1.215km. Nay, với sự tham gia của Phần Lan, con số này sẽ tăng lên gấp đôi.

Việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ đảm bảo quốc gia này có thể tiếp cận toàn bộ nguồn lực của khối trong trường hợp bị tấn công.

Trong đó có nguyên tắc được ghi ở điều 5 của NATO đó là bất kỳ quốc gia nào tấn công một quốc gia thuộc NATO cũng là tấn công toàn bộ các thành viên của khối.

Mặt khác, Phần Lan không phải là quốc gia xa lạ với NATO vì binh sĩ nước này thường xuyên tham gia các cuộc tập trận với NATO với vai trò là đối tác.

Lực lượng Phòng vệ Phần Lan cũng vận hành một số loại vũ khí tương tự các hệ thống mà thành viên của NATO sử dụng như máy bay chiến đấu F/A-18, xe tăng Leopard do Đức thiết kế…

Theo một số nhà quan sát, câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này là sau khi Phần Lan chính thức gia nhập NATO, liệu NATO có triển khai thêm các khí tài và nhân lực đến Phần Lan hay không?

Về mặt quân sự, điều này sẽ khiến cho nguy cơ xảy ra các va chạm, tính toán sai lầm giữa NATO và Nga gia tăng.

Đồng thời, áp lực về an ninh đối với cả hai phía cũng sẽ nặng nề hơn.

Helsinki cũng tham gia vào chương trình chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho phép lực lượng phòng không của nước này phối hợp nhuần nhuyễn với các đối tác của NATO bao gồm: Mỹ, Anh, Na Uy, Italy, Ba Lan, Đan Mạch và Hà Lan.

Ba mặt Phần Lan sẽ đóng góp cho NATO

Theo một báo cáo đăng tải hồi tháng 11 năm ngoái do Trung tâm Wilson thực hiện, có 3 mặt mà khi Phần Lan là thành viên sẽ có lợi cho NATO đó là lực lượng dự bị, công nghệ và lực lượng pháo binh.

“Các lực lượng pháo binh của Phần Lan là lớn nhất và được trang bị tốt nhất châu Âu với khoảng 1.500 vũ khí pháo binh. Lực lượng pháo binh Phần Lan sở hữu hỏa lực mạnh hơn tất cả các quân đội Ba Lan, Đức, Na Uy và Thụy Điển cộng lại”, theo Trung tâm Wilson.

Trung tâm này cũng nhấn mạnh, Phần Lan có hồ sơ an ninh mạng rất mạnh. Đây từng là cái nôi của Nokia, là nhà cung cấp hạ tầng 5G lớn và là một trong ba nhà cung cấp hạ tầng 5G hàng đầu trên thế giới cùng Thụy Điển và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Phần Lan có tổng cộng 900.000 quân dự bị đã được huấn luyện và trang bị tốt. Trong khi, lực lượng có thể huy động trong thời chiến của Phần Lan là 280.000 quân.

Bao giờ tới lượt Thụy Điển gia nhập NATO?

Việc Phần Lan gia nhập NATO diễn ra chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu phê chuẩn đưa nước này trở thành thành viên, dỡ bỏ rào cản cuối cùng đối với Phần Lan để gia nhập NATO sau nhiều tháng trì hoãn.

Tuy Phần Lan và Thụy Điển cùng đệ đơn gia nhập NATO một lúc nhưng đến nay mới chỉ có 1 nước hoàn tất thủ tục.

Lý do là bởi vẫn còn vướng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Các quan chức NATO cũng như nhiều lãnh đạo các cường quốc trong NATO, nhất là chính quyền Mỹ, nhiều tháng qua đã dùng nhiều phương pháp cả cương và nhu để gây sức ép đồng thời thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ không ngăn chặn tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển.

Trong đó có việc các thượng nghị sĩ Mỹ cùng viết thư yêu cầu chính quyền của Tổng thống Joe Biden ngừng thương vụ bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này vẫn từ chối phê chuẩn đơn làm thành viên NATO của Thụy Điển.

Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các cách tiếp cận này đều không thành công.

Theo giới phân tích châu Âu, có lẽ sau cuộc bầu cử vào tháng 5/2023 tại Thổ Nhĩ Kỳ mới hy vọng xuất hiện đột phá.

Mặt khác, chính quyền Hungary chỉ trích phía Thụy Điển vẫn giữ thái độ không hợp tác trong các cuộc đàm phán gần đây.

Hiện tại, dù chưa nhìn thấy giải pháp để đưa Thụy Điển gia nhập NATO nhưng Tổng thư ký NATO cho rằng vẫn có hy vọng. Theo ông, việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ giúp Thụy Điển hòa hợp hơn với khối, thậm chí giúp nước này an toàn hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.