Cụ thể, lực lượng an ninh hàng không sân bay đã phát hiện trong hành lý ký gửi của hành khách tên V.D.T (thường trú tại Đà Nẵng) dự định đi chuyến bay VJ647 từ Đà Nẵng đi TP.HCM một dùi cui và một còng số 8 bằng kim loại.
Tại thời điểm kiểm tra, hành khách không xuất trình được các giấy tờ liên quan, do đó, CHK quốc tế Đà Nẵng đã phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Trung lập biên bản ghi nhận sự việc và bàn giao người, tang vật vi phạm cho Công an phường Hoà Thuận Tây xử lý theo thẩm quyền.
Trao đổi với Báo giao thông, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam về vũ khí công cụ hỗ trợ, nếu mang trong người đi không có giấy phép sử dụng thì đương nhiên bị bắt giữ.
Ngay cả với dao làm bếp, dao gọt hoa quả, nhiều hành khách đi máy bay vẫn để trong hành lý xách tay. Trong những trường hợp này, lực lượng an ninh hàng không thường châm chước và yêu cầu gửi trong hành lý ký gửi. Với công cụ hỗ trợ, không thể nói là không biết hay vô tình. “Tuy nhiên, tại một số nước quy định rất chặt chẽ. Họ không có khái niệm “không biết hay vô tình” mà quan niệm nhất quán: Đi tàu bay phải biết quy định của tàu bay”, vị này nói.
Được biết, theo Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, công cụ hỗ trợ bao gồm các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này; Các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; Các loại lựu đạn khói, lựu đại cay, quả nổ; Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, còng khóa số 8, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn; Động vật nghiệp vụ. Cá nhân, tổ chức mua hay sử dụng công cụ hỗ trợ phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận