Đô thị loại 2 đạt thông minh vào năm 2045
Sáng nay, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cao cấp thường niên lần thứ 3 và công nghiệp 4.0 với chủ đề "Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hoá gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn 2045".
Diễn đàn Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hoá gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, đến nay, cả nước có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Lê Quang Hùng cũng cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu bộ quy chuẩn đô thị thông minh. Bộ quy chuẩn này sẽ lượng hoá, phân biệt sự khác nhau giữa đô thị thông minh và đô thị chuẩn.
Theo vị thứ trưởng, dự kiến 2025 sẽ hoàn thiện pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn, thí điểm xây khu vực đô thị thông minh; 2030 thì 30% đô thị thị áp dụng tiêu chí thông minh; đến năm 2045, đa số đô thị loại 2 đáp ứng đô thị thông minh.
Cần quan tâm đến giao thông nội - ngoại thành
Góp ý tại diễn đàn, PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng chỉ ra nhiều "khiếm khuyết" mà trong diễn đàn chưa nhìn tới. Cụ thể:
Thời gian bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, trong nước xuất hiện hiện tượng dịch chuyển dân cư từ nông thôn - đô thị và nông thôn - khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các dòng dịch cư này xuất hiện cho thấy hoạt động kiểm soát, quản lý đang có những khiếm khuyết, đặc biệt là các khu công nghiệp, chế xuất. Do đó, trong nghiên cứu phát triển đô thị thông minh cần tiếp tục nghiên cứu dịch cư đô thị - nông thôn.
Theo ông Hải, Việt Nam đang hình thành khu định cư đô thị công nghiệp. Thực tế nó đã xuất hiện từ những năm 1954, 1975 như: Gang thép Thái Nguyên, Hoá chất Việt trì, Đô thị Dệt Nam Định... nhưng đến nay chưa có khái niệm điểm dân cư công nghiệp, thị tứ hay đô thị công nghiệp. Do đó, thời gian tới cần đưa các khái niệm trên vào các văn bản pháp quy nhà nước liên quan đến quy hoạch. Cần đồng bộ giữa công nghiệp hoá và đô thị hoá. Các khu này 100% lao động phi nông nghiệp, nhưng quản lý công nhân về mặt hành chính chưa đầy đủ.
Cũng theo ông Hải, trong cách mạng công nghiệp 4.0, ở giai đoạn này con người có thể chọn sinh sống ngoại ô. Điều ấy cho thấy quản lý đô thị ở Việt Nam đã quan tâm giao thông loại vùng, quản lý đô thị, nội thành, nội thị. Nhưng 4.0 cần quan tâm dòng giao thông nội thành - ngoại thành, nội thị - ngoại thị.
Cũng theo ông Hải, diễn đàn được học giả dẫn nhiều khái niệm thành phố thông minh, đô thị thông minh, song đa phần định nghĩa nói về hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ dịch vụ, hoạt động đô thị, chưa có báo cáo nào nói chi tiết đến thành phần thông minh.
Ông Hải lý giải, các diễn giả đã nhận định, New York là đô thị thông minh thế giới nhưng đi lại chưa chắc dễ chịu như Hà Nội; Dubai của Ấn Độ cũng là đô thị thông minh nhưng 70% nước thải chưa được xử lý... Điều đấy cho thấy thành phần, hạ tầng của đô thị thông minh cần phải nói tới. "Không có đô thị nào là thông minh toàn phần, toàn diện chỉ có đô thị thông minh từng phần. Xong dù thông minh từng phần nó vẫn gọi là đô thị thông minh".
Từ đó ông Hải lưu ý với Bộ Xây dựng, định hướng phát triển đô thị thông minh cần phải xác định thành phần, tổ hợp thành phần đô thị thông minh nào được hướng đến, chứ không phải tất cả các đô thị hướng đến như nhau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận