Ngày 10/7 vừa qua, chị Nguyễn Thị Lành, một tiếp viên đường sắt chia sẻ câu chuyện của mình trên trang Facebook cá nhân. Chị kể, bữa đó đã hơn 24h, có khách gọi chị với thái độ rất hách dịch, yêu cầu hạ nhiệt độ điều hòa vì trong khoang nóng, đồng thời đe dọa sẽ gọi đường dây nóng.
Lúc chị đứng dậy để đi chỉnh, tay cầm điện thoại gọi cho thợ điện lên toa, thì người khách này chụp ảnh chị và trách chị dùng điện thoại trong giờ làm việc. Chị chỉ cười và nhẹ nhàng giải thích: “Chị ơi, mong chị thông cảm, em đã chỉnh điều hòa mà không mát hơn được nên em phải dùng điện thoại gọi thợ điện lên ạ”. Nhưng trong lúc chị nói thì vị khách gọi ngay đường dây nóng.
“Mà mọi người biết đó. Với đường dây nóng: Điều 1. Hành khách luôn luôn đúng; Điều 2: Nếu hành khách sai hãy xem lại điều 1”.
Và sự việc bắt đầu rối beng lên... Em muốn nói rằng, dù ở bất cứ đâu hãy là người văn minh, chứ nói thật, khi chị khách xưng hô “tau, mi” là em đã không muốn nói chuyện rồi. Nhưng em vẫn cố gắng kìm nén vì em là một tiếp viên đường sắt. Với lại, em và những đồng nghiệp cũng đã được học về văn hóa ứng xử “4 xin” và “4 luôn”. Điều đầu tiên là phải luôn mỉm cười. Vậy mà chỉ vì nụ cười bị quy là “cười khích” với hành khách đó, em mất hơn 600 nghìn đồng. Rất buồn luôn. Mong rằng Đường sắt không chỉ thay đổi từ cơ sở hạ tầng hay công nghệ 3.0, 4.0 gì đó, hãy thay đổi cả cách nhìn nhận những sự việc trước khi quy về lỗi của công nhân bọn em như vậy”, chị viết.
Rất nhiều comment đã bày tỏ sự thông cảm với chị Lành và cũng chia sẻ câu chuyện của họ khi gặp phải những hành khách “oái oăm”. Trong khi đó, nghề phục vụ trên tàu vô cùng vất vả, lương lại thấp. Đó là thực tế, là áp lực diễn ra hàng ngày đối với người làm nghề “làm dâu trăm họ”, nhất là khi tàu đông như dịp hè, dịp lễ, Tết. Có người khuyên nên “ăn miếng, trả miếng” với hành khách; người cực đoan hơn thì khuyên bỏ nghề “Lương thấp thế, lại vất vả, bỏ nghề luôn cho rồi”.
Trước những bình luận trên, chị Lành tâm sự: “Cũng có nhiều khách tốt. Thấy mình thức đêm hôm, họ bảo vô nằm cùng các chị, chứ ngồi ngoài chi cho tội. Có khách còn mua cho bánh. Mình phục vụ những khách tốt như vậy cũng mát lòng. Cảm thấy chuyến tàu đó không còn mệt mỏi chi, cho dù không được ngủ”.
Gặp được những hành khách thông cảm, cư xử đúng mực với nhân viên trên tàu như vậy cũng là nguồn động viên để những nhân viên như chị Lành tiếp tục cố gắng vượt khó khăn, gắn bó với nghề, tận tâm phục vụ hành khách. Đúng như một đồng nghiệp chị Lành đã comment: “Đã xác định nghề “làm dâu trăm họ” là vậy rồi, vì thế chỉ cần có được sự ghi nhận, động viên của lãnh đạo, sự cảm thông của hành khách là vui rồi”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận