Thời sự Quốc tế

Qua mốc 1/4, vì sao Nga chưa "khoá van" khí đốt với châu Âu?

02/04/2022, 07:39

Ngày 1/4 là thời hạn Nga tuyên bố sẽ dừng cung cấp khí đốt đối với các quốc gia không thân thiện không chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble.

Bất chấp việc Pháp và Đức khẳng định không chấp nhận quy định mới của Nga về thanh toán khí đốt bằng đồng ruble, theo hãng tin Sky News, tổng lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu ngày 1/4 vẫn ở mức cao nhất trong 4 tháng qua.

Giải thích rõ hơn vấn đề này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin không ảnh hưởng tới những hợp đồng khí đốt đã thanh toán, chỉ thực sự trở thành vấn đề khi những khoản thanh toán mới bắt đầu phát sinh từ cuối tháng này.

Hiện tại, khoảng 60% lượng khí đốt nhập vào châu Âu đang được thanh toán bằng đồng euro, phần còn lại bằng đồng đô la Mỹ.

img

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh - Sky News

Sky News dẫn lời chuyên gia năng lượng cho biết, khả năng Nga và Liên minh châu Âu (EU) sẽ đạt một số thoả thuận nào đó, có thể khách hàng tại các nước như Pháp, Đức sẽ thanh toán khí đốt bằng euro và tập đoàn năng lượng Nga Gazprom sẽ chuyển thành đồng ruble tại Nga.

“Điều đó sẽ có lợi cho cả đôi bên, tránh trường hợp ngừng hoàn toàn dòng chảy khí đốt” – ông Leon Izbicki, nhà phân tích về khí đốt tự nhiên tại Energy Aspects cho biết.

Song cả chính quyền Nga và Gazprom đều kiên quyết thực hiện sắc lệnh đã được Tổng thống Nga thông qua và khẳng định đã gửi đề nghị chuyển đổi thanh toán đồng ruble tới khách hàng.

Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định sắc lệnh của Tổng thống là không thể đảo ngược.

Dẫu vậy, ông Izbicki đánh giá, nguy cơ “dừng hoàn toàn các đường ống khí đốt từ Nga tới những nước không thân thiện không chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble là khá thấp”.

Bởi qua đánh giá thông báo của Nga trước đó, ông Izbicki chỉ ra, Nga cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận thanh toán bằng đồng đô la Mỹ hoặc euro qua một tài khoản đặc biệt ở Gazprombank.

Trong khi các lệnh trừng phạt của EU đã đặc biệt không động chạm tới Gazprombank để hở một lối đi để thoả hiệp.

Giới chuyên gia nhận định, các yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble có thể củng cố đồng tiền nội tệ Nga đang bị giảm giá và hỗ trợ tỉ lệ hối đoái, cùng lúc cho phép Nga dễ dàng điều hướng các lệnh trừng phạt.

Nhưng chỉ riêng động thái này thì chưa thể làm thay đổi tình hình kinh tế Nga.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.