Đường bộ

Quản xe hợp đồng dưới 8 chỗ gom khách lẻ

21/08/2024, 06:00

Theo quy định mới, xe hợp đồng dưới 8 chỗ không cần hợp đồng thuê cả chuyến mà được gom khách lẻ. Các chuyên gia cho rằng, cần có cách thức quản lý phù hợp để không phá vỡ trật tự kinh doanh vận tải.

Xe hợp đồng áp đảo

Nhiều năm nay, mỗi lần về quê ở Thái Bình, anh Nguyễn Xuân Trung (thị trấn Quỳnh Phụ, huyện Đông Hưng) đều chọn đi xe ghép, tiện chuyến. 

Dù mất thời gian đi lòng vòng hơn, giá vé có cao hơn nhưng bù lại không phải mất thời gian đi xe ôm ra bến và từ bến về nhà.

Quản xe hợp đồng dưới 8 chỗ gom khách lẻ- Ảnh 1.

Theo Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, xe hợp đồng dưới 8 chỗ sẽ không cần ký hợp đồng cả chuyến mà có thể gom khách lẻ đi ghép, đi chung một chuyến xe. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Chính bởi sự tiện lợi này, số lượng xe hợp đồng, xe ghép tăng lên nhanh chóng. Thống kê của Cục Đường bộ VN cho thấy, trong số hơn 330 nghìn xe chở khách, có hơn 17 nghìn xe tuyến cố định, hơn 225 nghìn xe hợp đồng, chiếm đến gần 70%.

Việc gia tăng nhanh chóng xe hợp đồng dưới 8 chỗ, xe ghép kéo theo nhiều bất cập, nhất là tình trạng xe ghép hoạt động "chui", không có hợp đồng giữa hành khách và nhà xe. Trường hợp xảy ra tai nạn, hành khách không được bảo hiểm chi trả, cũng không biết đòi ai.

Tình trạng này cũng làm thu hẹp thị phần của xe khách tuyến cố định. Đơn cử, tại tỉnh Phú Thọ, hiện có gần 1.000 xe ghép hoạt động liên tục khiến một số nhà xe có tỷ lệ lấp đầy chỗ sụt giảm mạnh từ 70% xuống 30%, thậm chí nhiều đơn vị bị lỗ.

Một nhà xe tuyến Phú Thọ - Hà Nội phản ánh: "Xe hợp đồng dưới 8 chỗ làm được đồng nào ăn đồng đấy, chỉ phải bỏ vé đường và tiền dầu. Trong khi, các doanh nghiệp xe khách truyền thống phải trả bến bãi mỗi tháng cả chục triệu".

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả, nhiều xe taxi sẽ rời bỏ doanh nghiệp để chuyển sang hoạt động theo hợp đồng.

Việc có quá nhiều phương tiện đón khách khu vực nội thành không chỉ làm gia tăng số lượng phương tiện trong nội đô, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và TNGT, mà còn ảnh hưởng đến khả năng tăng sản lượng vận tải hành khách công cộng

Cần định nghĩa rõ khái niệm

Theo Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua (hiệu lực từ 1/1/2025), xe hợp đồng dưới 8 chỗ sẽ không cần phải ký hợp đồng cả chuyến xe, mà có thể gom khách lẻ đi ghép, đi chung một chuyến.

Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, không khó để quản lý loại hình phương tiện này: "Tiêu chí số 1 là an toàn phải đảm bảo, số 2 là thu thuế, số 3 là chất lượng dịch vụ, giá cả. 

Xe nào tham gia hoạt động phải đăng ký, lắp thiết bị giám sát hành trình. Như vậy, mọi di chuyển đều có thể kiểm soát".

Ví hoạt động của xe hợp đồng dưới 8 chỗ như việc bán hàng online, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, loại hình này cũng phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế và có bảo hiểm đi kèm để đảm bảo ATGT cho hành khách. 

Việc đón trả khách cũng phải được thực hiện tại một số khu vực nhất định chứ không phải tràn lan.

"Trước hết, chúng ta cần xây dựng khung pháp lý để quản lý, gồm đăng ký kinh doanh, thu thuế, xem xét thêm các loại phí bến bãi khi đón trả khách tại những điểm được quy định sẵn để tạo sân chơi bình đẳng đối với xe khách tuyến cố định", ông Bình nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, xe hợp đồng trên 8 chỗ là thuê trọn chuyến, phải có hợp đồng được ký kết. Còn xe hợp đồng dưới 8 chỗ chưa có điều kiện nào để quy định.

"Cần xây dựng khái niệm cụ thể của từng loại hình xe hợp đồng, xe taxi. Xe hợp đồng dưới 8 chỗ là đang phục vụ khách mà điểm đi và điểm đến là 2 đầu khác nhau, không trùng lặp trong cùng một địa phương, không tính tiền bằng bản đồ. Tức là lộ trình có thời gian tối đa, tối thiểu. Đó mới đúng bản chất của xe hợp đồng", ông Hùng nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, phải làm rõ khái niệm xe hợp đồng dưới 8 chỗ, quy định điểm đi, điểm đến, lộ trình tối đa, tối thiểu và phương thức thu tiền để phân biệt với taxi. Bên cạnh đó, quy định các tuyến đường, khu vực có thể đón khách, thời gian đón khách.

Nhiều người hiểu chưa đúng

Theo lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), hiện có nhiều người đang hiểu xe hợp đồng Limousine từ 16 chỗ ngồi nếu hoán cải xuống dưới 8 chỗ (kể cả người lái) sẽ không cần phải ký hợp đồng cả chuyến xe, mà có thể gom khách lẻ đi ghép, đi chung một chuyến. Cách hiểu này là không đúng.

Nghị định 10 đã quy định loại xe này không được phép hoạt động như taxi, đồng thời quy định đầy đủ điều kiện kinh doanh đối với xe hợp đồng.

Trong lần xây dựng dự thảo nghị định tới đây, các quy định tại Nghị định 10 vẫn sẽ tiếp tục được kế thừa, xe hợp đồng Limousine chỉ được ký một hợp đồng thuê nguyên cả chuyến.

Còn quy định xe hợp đồng dưới 8 chỗ được tiếp thu trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội. Qua rà soát, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội thấy rằng, việc cho phép xe dưới 8 chỗ không cần phải ký hợp đồng cả chuyến mà có thể gom khách lẻ đi ghép, đi chung một chuyến là phù hợp.

"Xe dưới 8 chỗ hiện đang quy định là taxi, vì vậy việc quản lý đối tượng này trong lần xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đường bộ cũng được quy định tương tự như quy định tại Nghị định 10/2020", lãnh đạo Vụ Vận tải cho hay.

Theo lãnh đạo Vụ Vận tải, liên quan vấn đề đang gây bức xúc hiện nay là các xe cá nhân dưới 8 chỗ biển trắng hoạt động chở khách trái quy định.

Luật Đường bộ đã quy định cấm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép hoặc kinh doanh không đúng giấy phép.

Vấn đề quan trọng là công tác kiểm tra, kiểm soát cần được thực hiện nghiêm để vi phạm bị xử lý kịp thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.