Thông báo khẩn cấp cho tàu thuyền về tránh, trú bão
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, tối ngày 17/7, Hải đội 2 Biên phòng đã tổ chức bắn pháo hiệu thông báo cho các chủ tàu, thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn, cảnh báo các tàu thuyền không ra khơi khi có mưa bão trên biển.
Đúng 19h30 ngày 17/7, loạt pháo hiệu đầu tiên được bắn lên bầu trời TP Hạ Long từ sân cầu cảng của Hải đội 2 Biên phòng. Loạt pháo hiệu nhằm thông báo khẩn cấp cho tàu thuyền về tránh, trú bão Talim.
Hải đội 2 Biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh bắn pháo hiệu kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh, trú bão số 1 an toàn.
Được biết, tại vùng biển Quảng Ninh có các điểm bắn pháo hiệu báo bão, gồm: xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô, xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái và Hải đội 2 Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bắn pháo hiệu kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh, trú bão ở vùng biển TP Hạ Long.
Theo quy định, một ngày có 2 cung giờ để bắn pháo hiệu, tùy theo từng đơn vị lựa chọn có thể bắn lúc 4h30 đến 5h hoặc từ 19h30 đến 20h.
Canh gác 24/24h thường xuyên tại các vị trí ngầm, tràn giao thông
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công điện hỏa tốc về việc chủ động ứng phó bão số 1 năm 2023.
Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm "3 trước - 4 tại chỗ", căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân, các đơn vị ứng phó hiệu quả.
Khẩn trương rà soát, kiểm, đếm tàu, thuyền, chủ động hướng dẫn phương tiện, tàu, thuyền còn đang hoạt động trên biển để tránh, trú an toàn; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền tại khu neo đậu...
Nhiều phương tiện thủy đã về tránh, trú bão an toàn tại cảng cao cấp Ao Tiên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).
Rà soát đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch và du khách; các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão anh hưởng trực tiếp; chủ động báo cáo và thực hiện lệnh cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Cử người trực, canh gác 24/24h thường xuyên tại các vị trí ngầm, tràn giao thông, kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân đi lại trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn.
Có phương án huy động các phương tiện, thiết bị và lực lượng kịp thời giải tòa ách tắc giao thông do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt.
Khẩn trương yêu cầu các chủ đầu tư các dự án đang thi công có biện pháp ngăn chặn tối đa bùn, đất và nước tràn xuống các tuyến đường và khu vực dân cư khi có mưa lớn; có phương án xử lý ngay các điểm ngập úng.
Rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở, tổ chức các phương án di dời người ở tại các lán trại, nhà tạm dưới chân mái kè, vùng trũng, các công trình xây dựng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong mọi tình huống; tuyên truyền, yêu cầu người dân không ra suối đánh cá, vớt củi, bơi lội... khi có lũ.
Các địa phương chủ động rà soát, sẵn sàng khắc phục tình trạng ngập lụt cục bộ khi có mưa lớn tại các khu dân cư, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt; chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực ngập sâu, chia cắt, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Rà soát, kiểm tra đảm bảo an toàn đối với các cơ sở sản xuất, hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, không để xảy ra sự cố thiệt hại về người khi có mưa lớn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận