ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu tại Quốc hội
Sự thành công thể hiện toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, các đại biểu kỳ vọng Quốc hội khóa mới sẽ tiếp nối được những thành công này, đóng góp đắc lực cho công cuộc phát triển đất nước.
Chuyển mạnh từ “tham luận” sang “tranh luận”
Theo ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), Quốc hội Khóa XIV đã ban hành 72 luật (bao gồm cả các luật sửa đổi, bổ sung), 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết khác, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho mọi hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội.
“Quốc hội đã thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương đúng đắn, quan điểm đổi mới của Đảng, giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc mà thực tiễn cuộc sống xã hội đặt ra”, ĐB Tám nhận xét và cho biết, cử tri hết sức quan tâm và đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, đã và đang chuyển mạnh từ tham luận sang thảo luận, tranh luận.
Bao trùm và chủ đạo của các thảo luận, tranh luận đó là không khí dân chủ, thẳng thắn, vì lợi ích và xuất phát từ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), với chức năng của mình, thông qua các hoạt động cụ thể, Quốc hội đã thực sự trở thành cầu nối chính thức và hiệu quả giữa nhân dân và Nhà nước.
“Điều vui nhất của các đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ qua là được tự do thể hiện chính kiến của mình mà không bị bất kỳ một sự hạn chế, một sự cấm cản nào”, ĐB Trí nói và đánh giá, 5 năm qua, không ít lần diễn ra những cuộc tranh luận nóng bỏng tại nghị trường.
Đã có những dự thảo luật, bộ luật, nghị quyết được “mổ xẻ” khách quan, nhiều chiều với một tinh thần trách nhiệm rất cao, vừa có lý, vừa có tình.
Để hoạt động Quốc hội trong thời gian tới tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nêu quan điểm về công tác lập pháp: “Nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã thông qua được 72 luật. Tuy nhiên, trong số này hơn 1/3 là luật sửa đổi và bổ sung.
Điều đó cho thấy tuổi thọ của luật còn hạn chế. Một số luật quan trọng nhưng chậm sửa đổi, chậm ban hành mà cử tri năm nào tiếp xúc cũng nhắc đến, đó là Luật Đất đai”.
Đề cao trách nhiệm giải trình
Khẳng định Quốc hội Khóa XIV đã làm tròn bổn phận trước nhân dân, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng chia sẻ, trong thời khắc cuối cùng của nhiệm kỳ, có lẽ mỗi đại biểu đều vẫn còn những điều băn khoăn, trăn trở, gửi gắm lại nhiệm kỳ tiếp theo.
“Có thể khẳng định Quốc hội Khóa XIV đã thông qua những đạo luật đảm bảo chất lượng, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.
Tuy nhiên, nếu rà soát thật kỹ, lật đi lật lại tất cả các quy định và đặt chúng trong mối quan hệ với việc tổ chức thực hiện thì có thể nhận thấy, có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách”, nữ đại biểu nói và cho biết: Tham nhũng chính sách được hiểu là việc cố tình đưa vào các đạo luật, những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định.
Từ đây, đại biểu đề nghị Quốc hội thời gian tới cần đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật, đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách; Đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách...
Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, ông rất mong muốn những thành công của Quốc hội Khóa XIV sẽ được Quốc hội Khóa XV kế thừa và nối tiếp.
“Muốn như vậy, yếu tố chất lượng đại biểu là vô cùng quan trọng. Tôi kỳ vọng đợt bầu cử sắp tới sẽ lựa chọn được những người có tâm, có tầm, có năng lực, trình độ”, ông Cường nói và cho rằng, việc tăng đại biểu chuyên trách cũng có ý nghĩa rất quan trọng.
Bởi đại biểu chuyên trách không chỉ là những người đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm, toàn tâm, toàn ý cho hoạt động của Quốc hội. Hoạt động của họ độc lập hoàn toàn so với đại biểu làm việc trong khối hành pháp, do vậy tiếng nói sẽ khách quan, độc lập hơn trong công tác giám sát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận