Tài chính

Quý I/2022 ba “ông lớn” ngân hàng: Ai chiếm thế thượng phong?

05/05/2022, 07:00

Đáng chú nhất là nợ có khả năng mất vốn của cả ba ngân hàng đều tăng so với hồi cuối năm 2021.

Ba ngân hàng TMCP quốc doanh Vietcombank, Vietinbank và BIDV đã công bố báo cáo tài chính quý I/2022.

Cả ba ngân hàng đều có kết quả kinh doanh khả quan, riêng Vietcombank có lợi nhuận trước thuế đạt gần 10.000 tỷ đồng chỉ trong quý đầu tiên của năm nay.

img

Một số kết quả kinh doanh quý I/2022 của ba ngân hàng TMCP quốc doanh

BIDV có thu nhập lãi thuần cao nhất

Trong quý I, thu nhập lãi thuần của BIDV cao nhất khi đạt gần 13 nghìn tỷ đồng trên báo cáo hợp nhất dù dư nợ tín dụng chỉ tăng 4,7%.

Thu nhập lãi thuần quý I của BIDV đạt 12.826 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ lại "đi lùi", trong đó lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 1.275 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, cùng kỳ năm ngoái BIDV lãi 450 tỷ đồng từ chứng khoán kinh doanh thì năm nay hoạt động này 3 tháng đầu năm nay khiến nhà băng này âm nhẹ 1,9 tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận trước thuế của nhà băng trong quý 1 đạt 4.514 tỷ đồng, tăng trưởng 33%.

Vietcombank lợi nhuận cao nhất

Thu nhập lãi thuần không cao nhất trong nhóm 3 ngân hàng nhưng Vietcombank lại có lợi nhuận cả trước và sau thuế cao nhất trong nhóm này.

Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank kỳ này đạt 9.950,2 tỷ đồng, tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ 2021 và gấp đôi lợi nhuận trước thuế quý này của BIDV.

Lợi nhuận sau thuế của Vietcombank đạt 7.967,4 tỷ đồng, cũng gấp đôi so với BIDV.

Theo Vietcombank, đóng góp vào lợi nhuận quý này có khoản thu hồi được 3.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn tại Ngân hàng Xây dựng CBBank và khoản hoàn nhập dự phòng với khoản nợ này.

Ngoài ra, theo lý giải của Vietcombank, lợi nhuận của ngân hàng này tăng mạnh là nhờ lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng mạnh và chi phí cho hoạt động quản lý công vụ giảm khi Vietcombank kiểm soát tốt chi phí hoạt động công vụ, sử dụng ứng dụng công nghệ trong quản trị điều hành như họp, hội nghị trực tuyến và tối ưu hoá chi phí để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Vietinbank có nợ xấu cao nhất

Về nợ xấu, tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank là 1,24%, dù giảm nhẹ so với 1,26% cuối năm ngoái nhưng vẫn cao nhất trong nhóm 3 ngân hàng nói trên.

Trong kỳ, Vietinbank đã tăng gấp 3 lần chi phí dự phòng rủi ro lên 4.426 tỷ đồng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn 5.822 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, việc tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro đã nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến cuối quý I/2022 của VietinBank lên gần 200%, tăng mạnh so với mức 180% hồi cuối năm 2021.

Trong năm 2022, Vietinbank đặt mục tiêu nợ xấu dưới 1,8%.

Riêng về nợ xấu, Vietcombank là ngân hàng mà cả ba nhóm nợ 3, 4, 5 đều tăng so với cuối năm 2021, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gần gấp đôi, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 75% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 18%.

Tuy nhiên, Vietcombank vẫn là ngân hàng có chất lượng tín dụng được kiểm soát khá chặt chẽ. Hồi cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này chỉ 0,63% nhưng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức cao nhất ngành là 424%.

Đặc biệt, Vietcombank đã trích lập 100% dự phòng rủi ro cho dư nợ cơ cấu, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tại Vietinbank, hai nhóm nợ 3 và 4 đều giảm mạnh nhưng riêng nợ nhóm 5 lại tăng mạnh 36%, mức tăng nợ nhóm 5 cao nhất trong 3 ngân hàng.

BIDV cũng có nợ nhóm 3 và 4 giảm so với đầu năm, chỉ có nợ nhóm 5 tăng với mức tăng 19%.

Đến cuối quý này, BIDV cũng là ngân hàng có con số tuyệt đối nợ nhóm 5 cao nhất với 8.683,7 tỷ đồng.

Đáng ghi nhận là tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này không ngừng được cải thiện thời gian qua. Đến cuối quý I năm nay, BIDV có tỷ lệ nợ xấu khá “đẹp” với 0,8%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng tăng mạnh lên trên 277%.

Chỉ tiêu 2022:

Vietinbank: Tổng tài sản tăng 5%-10%, huy động tăng 8%-10%, nợ xấu dưới 1,8%.

Vietcombank: Tổng tài sản tăng 8%, huy động vốn tăng 9, dư nợ tín dụng tối đa tăng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%.

BIDV: Lợi nhuận trước thuế 20.600 tỷ đồng, dư nợ theo chỉ tiêu được giao, huy động phù hợp với tăng trưởng dư nợ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.