Ông Lê Thanh Vân bị bắt vì liên quan vụ ông Lưu Bình Nhưỡng
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội khóa XV theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội.
Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Lê Thanh Vân để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự.
Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã phê chuẩn các quyết định, lệnh trên.
Đây là diễn biến trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Lưu Bình Nhưỡng và đồng phạm phạm tội Cưỡng đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại tỉnh Thái Bình.
Trước đó, ngày 14/11/2023, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng (SN 1963, trú quận Tây Hồ, TP Hà Nội) để điều tra tội Cưỡng đoạt tài sản. Thời điểm bị bắt, ông Nhưỡng đang là Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng là diễn biến trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Cưỡng đoạt tài sản liên quan đến giang hồ biệt danh Cường "quắt" (tức Phạm Minh Cường, 37 tuổi, trú xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Cường cùng đồng bọn đã tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều nhằm gây sức ép, thu tô các doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép cho khai thác cát tại mỏ cát ven biển.
Quy trình bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội
Liên quan đến quy trình bắt người nghi phạm tội là đại biểu Quốc hội, Điều 81 Hiến pháp 2013 quy định, không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội, hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Luật Tổ chức Quốc hội 2014 cũng quy định, không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Trường hợp đại biểu Quốc hội bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý.
Việc thực hiện lệnh bắt thuộc về cơ quan điều tra phát hiện ra hành vi phạm tội của đại biểu Quốc hội và có thẩm quyền điều tra hành vi phạm tội đó.
Theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014, trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó.
Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội quy định về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội:
1. Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.
2. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
3. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Như vậy, việc bắt người nghi phạm tội là đại biểu Quốc hội phải có đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được sự đồng ý của Quốc hội hoặc sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong thời gian Quốc hội không họp).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận