Thời sự

Quyền riêng tư thời AI: Dữ liệu cá nhân được bảo vệ thế nào?

16/06/2023, 06:33

Mặc dù công nghệ giúp cuộc sống của con người phát triển, tuy nhiên việc đảm bảo dữ liệu cá nhân lại chưa thực sự rõ ràng.

Công nghệ thu thập dữ liệu

Với sự phát triển nhanh chóng về kiến thức và tiến bộ, trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số mới để giúp khai thác công nghệ này với tiềm năng cao nhất, đưa ra quyết định hiệu quả hơn dựa trên dữ liệu.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến quyền riêng tư thời AI do Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) tổ chức, ông Trần Hữu Nhân, kỹ sư dữ liệu và máy móc, Công ty CP One Mount Group cho biết, hiện nay, công nghệ AI ngày càng vượt bậc, đóng góp vai trò quan trọng giúp cuộc sống của con người phát triển hơn.

img

Công nghệ AI sẽ tiếp nhận thông tin và dữ liệu cá nhân của người dùng (ảnh minh họa)

Để hoạt động, các tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện việc thu thập thông tin, trong đó có dữ liệu cá nhân để đưa vào AI. Dữ liệu thông tin được thu thập bằng các thao tác của mọi người trên điện thoại hoặc thiết bị nào đó.

"Ví dụ như người dùng tìm Iphone 12 trên mạng xã hội thì lập tức công ty này sẽ nắm được và giới thiệu những sản phẩm. Do đó, những dịch vụ tìm kiếm, thương mại điện tử... thành công nhờ quá trình thu thập, phân tích dữ liệu cá nhân của người dùng", ông Nhân cho hay.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều thông tin thì cũng gây ra những nguy hại như lượng thông tin này được sử dụng như thế nào, sử dụng đến đâu, có ảnh hưởng đến cuộc sống riêng hay không?

"Như Facebook đã thua kiện trong việc sử dụng trái phép dữ liệu của người dùng. Bên cạnh đó, còn có Amazon. Hay như YouTube sử dụng công nghệ AI nhưng vô tình phân biệt chủng tộc", ông Nhân chia sẻ.

Giải pháp bảo mật, xử lý dữ liệu

Nói về việc xử lý dữ liệu cá nhân của tổ chức, doanh nghiệp cần được đặt trong giới hạn nhất định để kiểm soát, bà Nguyễn Lan Phương, cán bộ phân tích chính sách Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho hay, nếu quy định cứng trong pháp luật về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân thì rất khó để thực hiện.

Tuy nhiên, việc khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn để bảo vệ dữ liệu phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề... lại là bước rất phát triển.

"Trường hợp khi các cơ quan chủ quan lấy thông tin cá nhân thì cần phải có sự đồng ý, còn đối với trẻ em thì phải có người bảo hộ và giải thích rõ dữ liệu cá nhân gồm loại nào, sử dụng như nào và lưu trữ ra sao", bà Phương cho hay.

Để bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chính phủ ban hành Nghị định 13, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp có vai trò là bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân có nghĩa vụ đảm bảo an ninh về dữ liệu và quyền riêng tư. Về mặt quản lý nhà nước, thì Bộ Công an sẽ là đơn vị quản lý các doanh nghiệp.

Cùng với đó, theo ông Nhân chia sẻ, tương lai của một công nghệ là khó có thể dự đoán được. Nhưng để bảo vệ cá nhân thì người dân nên chủ động nâng cao nhận thức.

ChatGPT có thực sự hiệu quả?

Trong khi tọa đàm diễn ra, nhiều người đã đặt câu hỏi về việc ChatGPT có thực sự hiệu quả? Việc thông tin được đưa ra có cần kiểm chứng hay không?.

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Hữu Nhân cho hay, đối với ChatGPT, cơ quan chủ quản sẽ cung cấp thông tin để công nghệ này trả lời.

Tuy nhiên, khi thu thập thông tin mà ChatGPT đưa ra thì người dùng vẫn cần phải kiểm chứng. Ngoài ra, những thông tin ChatGPT thì chỉ là thông tin ở tại một thời điểm chứ hiện tại chưa cập nhật.

Ông Nhân lấy ví dụ, ChatGPT chưa được cơ sở chủ quản cung cấp về lĩnh vực hóa học thì ChatGPT chưa thể hoạt động tốt. Hoặc khi được hỏi về những dữ liệu mà sau khi ChatGPT ra đời thì công nghệ này cũng không đưa ra được thông tin.

"AI chỉ là công cụ thôi, nó là thứ vô tri vô giác thì sẽ có những nguy hại chưa thể lường trước được", ông Nhân chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.