Hàng không

Rà soát điều kiện khách bay quốc tế thường lệ từ 1/1/2022

24/12/2021, 12:24

Việc khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ dự kiến sẽ được thí điểm trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

Chiều muộn 23/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn tiếp tục chủ trì cuộc họp triển khai việc khôi phục đường bay quốc tế.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng giao các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng các phương án, quy trình để sẵn sàng triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2022.

img

Các hãng hàng không đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ

Hướng dẫn cách ly: Thiếu thực tế

Ngay khi mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng đã liên tiếp đặt một loạt câu hỏi: Đến thời điểm này, Cục Hàng không đã triển khai những công việc gì, có bao nhiêu nhà chức trách hàng không các nước đã trả lời?

Kết quả làm việc với hãng hàng không ra sao, có đề xuất kiến nghị gì, khó khăn gì? Hướng dẫn về y tế đã rõ ràng chưa?...

“Thời gian không còn nhiều, các đồng chí cần khẩn trương lên, làm rõ các vấn đề còn vướng mắc, chuẩn bị các điều kiện, đảm bảo khi bắt đầu thí điểm (dự kiến từ ngày 1/1/2022), mọi việc sẽ suôn sẻ, dễ dàng cho hãng hàng không triển khai, thuận lợi cho hành khách nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện phòng dịch”, Thứ trưởng chỉ đạo.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Đinh Việt Sơn cho biết, ngay sau khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn điều kiện phòng dịch với khách nhập cảnh Việt Nam, Cục Hàng không VN đã có văn bản gửi cho 9 nhà chức trách hàng không tại các thị trường dự kiến khôi phục đường bay.

Đến chiều 23/12, cơ quan này mới nhận duy nhất văn bản đồng thuận của nhà chức trách Nhật Bản.

“Cục cũng đã họp với các hãng, thống nhất phương án triển khai, phân bổ cho các hãng theo nguyên tắc: Hãng nào đã có đường bay từ trước dịch sẽ được phân bổ. Hay nói cách khác là sẽ khôi phục đường bay cho các hãng đã có chuyến bay. Chưa xem xét cho hãng mới trong giai đoạn này”, ông Sơn nói và cho biết: Trước mắt, sẽ thực hiện 4 chuyến một tuần cho mỗi bên.

Thông tin thêm, ông Sơn cho hay, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người nhập cảnh chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc trước khi lên tàu bay, khách sẽ phải xuất trình cho nhân viên sân bay nơi cư trú ở đâu.

Trong khi đó, cách ly ở đâu là cả một câu chuyện. Có được giấy xác nhận đủ điều kiện cách ly tại nhà của UBND cấp xã/phường là hết sức khó khăn. Nếu không cách ly ở nhà, muốn cách ly ở khách sạn cũng không đơn giản.

“Như thời gian trước, khách bay về Hà Nội, dù thành phố đã chỉ rõ khách sạn cách ly, có bảng giá rõ ràng nhưng để đặt được khách sạn đó, khách phải có quyết định đồng ý cách ly của UBND quận”, ông Sơn nói và bày tỏ lo ngại: Khách về đợt này chủ yếu là các gia đình người Việt hồi hương, con nhỏ chưa tiêm đủ liều vaccine đi cùng bố mẹ rất nhiều. Quy định như hiện nay sẽ rất khó khăn.

Giao Cục Y tế GTVT làm việc với các cơ quan liên quan của Bộ Y tế để làm rõ hơn, cụ thể hơn những vấn đề liên quan đến hướng dẫn cách ly, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng chỉ đạo Cục Hàng không VN yêu cầu các đơn vị liên quan họp xây dựng phương án, quy trình để triển khai khôi phục đường bay quốc tế.

Thông tin thêm, Thứ trưởng cho hay, Bộ GTVT sẽ có văn bản thông báo cho địa phương về việc khôi phục một số đường bay quốc tế thường lệ từ ngày 1/1/2022, đồng thời đề nghị địa phương kết nối liên thông phần mềm khai báo y tế PC-Covid, IgoVN (của Bộ Công an) để giám sát việc cách ly y tế tại nhà, tại khách sạn của hành khách.

Hãng bay mong ngóng

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện các hãng hàng không đều khẳng định đang rất mong ngóng để có thể khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết: Trước đại dịch, trong năm 2019, mạng bay quốc tế chiếm gần 65% doanh thu vận tải hàng không của Vietnam Airlines.

Việc khôi phục mạng bay quốc tế sẽ là một yếu tố quan trọng giúp hãng hàng không có thêm doanh thu, bù đắp chi phí, sớm vượt qua khó khăn.

Cũng theo vị này, toàn bộ nguồn lực tàu bay, con người, hệ thống bán vé và chăm sóc khách hàng được Vietnam Airlines duy trì trong suốt đại dịch để sẵn sàng đón đầu việc nối lại đường bay quốc tế.

Hiện, hãng vẫn có các chuyến bay chiều từ Việt Nam đi quốc tế như: Hà Nội đi Tokyo (Nhật), TP.HCM đi Melbourne (Úc)…

“Trên cơ sở dịch bệnh được kiểm soát tích cực tại nhiều quốc gia và kết quả đàm phán của các nhà chức trách, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm 2022”, lãnh đạo Vietnam Airlines nói và nhấn mạnh: Việc nối lại các đường bay sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn và phụ thuộc vào việc phê duyệt, triển khai của cơ quan chức năng.

Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ ngày 1/1/2022, Vietnam Airlines lên kế hoạch khai thác các chuyến bay hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia.

Giai đoạn này dự kiến chỉ thực hiện trong thời gian ngắn khoảng hai tuần. Vietnam Airlines sẽ mở bán vé sau khi có phê duyệt của nhà chức trách.

Giai đoạn 2, Vietnam Airlines lên kế hoạch khôi phục thêm các đường bay hai chiều giữa Việt Nam và Anh, Pháp, Đức, Nga, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia.

Tần suất khai thác sẽ theo phương án phân bổ của Cục Hàng không VN. Trong giai đoạn 1, mỗi chặng bay dự kiến từ 1 - 4 chuyến/tuần và sẽ tăng dần dựa trên nhu cầu khai thác thực tế và yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Trong đó, số lượng chuyến bay tập trung trên các đường bay có nhu cầu lớn như Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Các chặng bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Nga, Úc, Hoa Kỳ dự kiến sẽ được Vietnam Airlines khai thác bằng các dòng tàu bay thân rộng lớn nhất của hãng là Boeing 787 hoặc Airbus A350.

Thí điểm trong 2 tuần

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, trước mắt việc khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ dự kiến sẽ được thí điểm trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 1/1/2022. Bộ GTVT sẽ xem xét mở rộng thêm trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm.

Trong giai đoạn 1 (từ ngày 1/1/2022), sẽ thí điểm tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ).

Các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ về 2 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.

Quy định nhập cảnh của Nhật Bản

Những đối tượng được phép nhập cảnh vào Nhật Bản gồm người mang quốc tịch Nhật; Vợ/chồng của người mang quốc tịch Nhật; Vợ/chồng của người thường trú tại Nhật; Khách ngoại giao; Thuyền viên.

Khi làm thủ tục nhập cảnh tại Nhật, hành khách phải có giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 được cấp trong vòng 72h trước giờ khởi hành; Xét nghiệm tại sân bay: Nếu kết quả âm tính, hành khách phải ở tại nơi cư trú và không sử dụng các phương tiện công cộng trong 14 ngày tiếp theo; Có bản cam kết tuân thủ các quy định của Chính phủ Nhật Bản trong thời gian cách ly; Cài ứng dụng để theo dõi quá trình cách ly và thông báo kết quả đến cơ quan chức trách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.